Kinh doanh và tiêu dùng

‘Bức tranh’ bán lẻ Việt hậu Covid-19 có gì mới?

Động thái thỏa thuận "bắt tay" sáp nhập giữa Tiki và Sendo khiến thị trường bán lẻ Việt hậu Covid-19 thêm sôi động. Tuy nhiên, vẫn rất cần sự liên kết chặt chẽ hơn nữa của khối nội để giữ thế cân bằng với khối bán lẻ ngoại khi các nền tảng mua sắm ngày càng thay đổi nhanh và cạnh tranh khốc liệt.

Johnson & Johnson ngừng bán phấn rôm trẻ em vì cáo buộc có chất gây ung thư / Bảo hiểm xe máy: Bao giờ hết cảnh "dễ mua, khó đòi"?

Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý Sàn giao dịch thương mại Tiki, cho biết cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) rất khắc nghiệt, các nguồn lực đầu tư cho marketing cũng rất lớn.

Kênh đầu tư lâu dài

Thế nhưng, khi thị trường bán lẻ trực tuyến (online) tăng trưởng rất nhanh thì nhiều người chỉ nghĩ đến chuyện tích cực, rất ít đánh giá tính hiệu quả. Theo bà Linh, các công tychỉ quan tâm đến những con số về tăng trưởng, nhưng thời điểm này là lúc cần nhìn nhận lại về mức độ hiệu quả trong đầu tư.

Nhu cầu của người mua hàng trên thị trường bán lẻ Việt đang thay đổi nhanh chóng

Nhu cầu của người mua hàng trên thị trường bán lẻ Việt đang thay đổi nhanh chóng

Trên các sàn TMĐT thuộc top đầu ở Việt Nam, Tiki hiện đã tụt khỏi vị trí thứ hai nhường chỗ cho sàn TMĐT nội địa là Sendo, lượng người truy cậpwebsite cũng đã giảm từ 33,7 triệu lượt/thángxuống chỉ còn khoảng 27,1 triệu lượt/tháng.

Cách đây 2 năm, lỗ luỹ kế của sàn TMĐT này là 1.400 tỷ đồng, nhưng không vì thế mà việc gọi vốn của doanh nghiệp bị trì hoãn. Và hồi năm ngoái, với 2 cổ đông chính là VNG (một công ty công nghệ của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 24,6%) và JD.com (một công ty của Trung Quốc, chiếm tỷ lệ 21,9%), Tiki đã có 2 lần tăng vốn.

Điểm gây chú ý mới đây nhất, theo nguồn tin từ DealStreetAsia, là Tiki đã đạt được thoả thuận sáp nhập với Sendo. Giới phân tích cho rằng trước áp lực cạnh tranh của các sàn TMĐT thì việc sáp nhập này là điều dễ hiểu để nhằm tăng sức chống chọi trước các đối thủ ngoại sừng sỏ như Shopee và Lazada.

Như chia sẻ của bà Linh, TMĐT là “kênh đầu tư lâu dài”, không có kết quả gặt hái ngay mà là cả bài toán dài lâu. Và dù TMĐT có sự thay đổi tốt hơn với khách hàng vẫn cần cải thiện trước một số khó khăn chính.

 

Giới chuyên gia đánh giá các cuộc "bắt tay" mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các thương hiệu bán lẻ nội địa như Tiki với Sendo trong tương lai gần hay như hồi cuối năm ngoái giữa VinCommerce (thuộc Vingroup) với CTCP hàng tiêu dùng Masan, ngành bán lẻ hiện đại của khối nội từ ngoại tuyến cho đến trực tuyến rất cần cân bằng hơn với khối bán lẻ ngoại.

Tuy nhiên, cũng nên lưu ý là "làn sóng" các giao dịch M&A trong ngành bán lẻ đã dậy lên từ năm 2016 và kéo dài cho đến nay như một kênh đầu tư hấp dẫn. Việc M&A giữa các nhà bán lẻ Việt với nhau sẽ tăng thêm thị phần cho khối nội là điều đáng mừng, nhưng nếu như có xu hướng thâu tóm từ các nhà bán lẻ ngoại thì sẽ là một câu chuyện khác.

Theo nhận định của chuyên gia Trang Bùi, thị trường TMĐT Việt vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng TMĐT sẽ không lấy mất "phần bánh" của bán lẻ truyền thống, mà sẽ là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ biết nắm bắt. Các nhà bán lẻ cũng cần tập trung hơn vào việc phát triển nền tảng mua sắm online.

Thay đổi nhanh, cạnh tranh khốc liệt

Theo nhận định mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, thị trường bán lẻ ở Việt Nam đã và đang thay đổi rất nhanh. Có thể thấy rõ sự cạnh tranh khốc liệt khi một số nhãn hàng đang tăng số lượng cửa hàng thì số khác phải đối mặt với việc tái cấu trúc.

 

Đơn cử như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và các công ty cổ phần điện thoại vẫn đang được mở rộng trên toàn quốc. Hay như GS25 - chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc đã bắt tay vào hoạt động nhượng quyền với mục tiêu 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới.

Trong khi đó, Masan sẽ đóng cửa 100-300 cửa hàng Vinmart+ và mở thêm 10-30 siêu thị Vinmart. Vingroup trước đó cũng tuyên bố ngưng hoạt động chuỗi cửa hàng điện tử VinPro. Cũng không thể không kể đến chuỗi nhà hàng Việt Nam là Món Huế và loạt chuỗi cửa hàng “anh em” như Phở Ông Hùng đã chính thức đóng cửa.

Xu hướng của thị trường bán lẻ Việt cũng có những thay đổi hậu Covid-19 nếu nhìn từ nhu cầu sử dụng dịch vụ giao thức ăn tăng lên sau dịch. Theo Q&Me, 75% người đã sử dụng dịch vụ giao thức ăn, trong đó 24% mới bắt đầu sử dụng từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Các ứng dụng giao hàng là phương thức phổ biến nhất được sử dụng. Trong khi người dân Tp.HCM ưa chuộng sử dụng ứng dụng giao hàng thì tỷ lệ đặt thức ăn qua trang mạng xã hội hay số điện thoại ở Hà Nội cao hơn.

Ứng dụng giao hàng được đánh giá là dễ sử dụng, trong khi ứng dụng của cửa hàng được cho là giao hàng nhanh hơn nhưng chi phí giao hàng cao hơn. GrabFood chiếm thị phần cao nhất với 79%, tiếp theo là Now và GoFood với tỷ lệ lần lượt là 56% và 41%.

 

Bên cạnh xu hướng M&A sẽ còn tiếp diễn, những thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người mua hàng thì thị trường bán lẻ Việt được dự báo sẽ còn tiếp nhận những “luồng gió mới” từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo đó, với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và TMĐT được hứa hẹn những nguồn cung mới, hấp dẫn và hiệu quả cho thị trường bán lẻ hàng hóa Việt, đi kèm với kỳ vọng về sự sôi động của thị trường này.

Điều mong mỏi là trước các cơ hội đan xen thách thức rất cần sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các nhà bán lẻ nội và tránh việc thờ ơ, chủ quan với các cam kết quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai hoạt động kinh doanh của mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm