Kinh doanh và tiêu dùng

Các mẫu xe ‘gánh vác’ doanh số cho cả thương hiệu trong tháng 1

Tương tự tình hình kinh doanh trong năm 2021, VinFast Fadil, Mitsubishi Xpander hay Ford Ranger tiếp tục là các dòng xe đóng góp chính vào doanh số của nhà sản xuất.

Bảng giá xe Ford tháng 2/2022: Giảm giá hấp dẫn / Điểm danh những mẫu xe bán tải đắt nhất năm 2022

Tháng 1 vừa qua, Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) ghi nhận mức suy giảm 31% của mảng xe du lịch so với tháng cuối cùng của năm 2021.

Trong đó VinFast, Mitsubishi hay Ford chịu ảnh hưởng đáng kể hơn cả với doanh số đi xuống ngay trước Tết Âm lịch. Dù vậy, dòng xe chủ lực của các nhà sản xuất này ít nhiều duy trì được phong độ tốt để giữ vai trò “đầu tàu” cho thương hiệu.

VinFast Fadil dẫn đầu phân khúc A

So với tháng 12/2021, doanh số của VinFast Fadil giảm hơn 300 chiếc, từ 1.753 xe còn 1.401 xe trong tháng 1. Kết quả này khiến mẫu xe cỡ nhỏ Việt Nam rơi xuống nửa sau bảng xếp hạng 10 ôtô bán chạy nhất tháng.

Tuy nhiên, Fadil vẫn là cái tên dẫn đầu phân khúc hạng A, xếp trên Hyundai Grand i10 (910 xe), Honda Brio (518 xe), Kia Morning (430 xe) và Toyota Wigo (216 xe).

Đồng thời, Fadil cũng là mẫu ôtô bán chạy nhất của VinFast trong tháng đầu tiên của năm 2022, chiếm 66,6% trong doanh số 2.103 chiếc của hãng xe Việt Nam. Con số này cao gấp 3 lần Lux SA2.0 (463 xe), gấp 7 lần Lux A2.0 (199 xe), trong khi mẫu xe điện VF e34 bàn giao được 40 chiếc trong tháng 1.

VinFast Fadil.

Trong cả năm 2021, tỷ lệ đóng góp của VinFast Fadil là hơn 67,5% với doanh số 24.128 xe, đứng đầu toàn thị trường. Thành tích này đến từ việc nhà sản xuất liên tục áp dụng khuyến mãi sâu cho Fadil và giúp mẫu xe này tăng sức cạnh tranh với các đối thủ Hàn Quốc.

Ngoài ra, Fadil còn được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ cho xe lắp ráp trong nước (CKD), giúp mức giá lăn bánh thấp hơn đáng kể so với Brio hay Wigo là xe nhập khẩu (CBU). Ngoài ra, một điểm cộng đáng kể khác của VinFast Fadil so với các mẫu xe cùng hạng là thời gian bảo hành 10 năm.

Với việc VinFast công bố kế hoạch ngừng sản xuất ôtô máy xăng vào cuối năm nay để tập trung phát triển xe điện, doanh số của Fadil có thể sẽ khó có thể lập lại mốc vài nghìn chiếc như giai đoạn nửa sau năm 2021.

Dù vậy, mẫu xe hạng A này vẫn có thể là sản phẩm chủ chốt của nhà sản xuất Việt Nam trong thời gian tới, khi mà dây chuyền sản xuất ôtô điện chưa hoạt động hết công suất.

Mitsubishi Xpander gặp sức ép từ các đối thủ

 

Trong hơn 3 năm qua, Mitsubishi Xpander là mẫu MPV phổ thông dưới 1 tỷ đồng bán chạy nhất. Điều này đóng góp lớn vào việc thay đổi hình ảnh của Mitsubishi trên các biểu đồ thị phần ôtô tại Việt Nam.

Ví dụ điển hình cho sức ảnh hưởng của mẫu xe 7 chỗ này là cứ 2 xe Mitsubishi bán ra trong năm 2021 thì có một chiếc Xpander. Cụ thể, Mitsubishi đạt doanh số hơn 13.600 xe, nhiều hơn gấp đôi mẫu xe Mitsubishi bán tốt thứ 2 là Attrage (6.075 chiếc), còn hãng xe Nhật Bản bán được 27.243 chiếc vào năm trước.

Còn trong tháng 1 vừa qua, Xpander không quá khó khăn để duy trì vị trí đứng đầu phân khúc với 1.419 xe bán ra, bỏ xa Suzuki XL7 (892 xe), Toyota Innova (218), Suzuki Ertiga (84 xe)...

Lý do giúp Xpander chiếm 39,6% doanh số Mitsubishi trong tháng đầu năm có thể kể đến chính sách khuyến mại lệ phí 50% trước bạ, tặng phiếu xăng hay sự ra mắt của 2 phiên bản Đặc biệt của Xpander AT và Xpander Cross.

 

Dù vậy, so với tháng 12/2021, Mitsubishi Xpander bán chậm hơn 590 chiếc, tỷ lệ giảm khoảng 29,4%. Trong khi đối thủ chính Suzuki XL7 có sự tăng trưởng nhẹ 15,6%, đạt doanh số mở màn năm 2022 ấn tượng với gần 900 chiếc.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thế hệ Xpander đầu tiên không còn giữ được sức hút sau thời gian dài có mặt trên thị trường. Ngoài ra, dòng xe chủ lực của Mitsubishi còn chịu nhiều sức ép từ các mẫu xe đồng hương.

Ngoài Suzuki XL7 cũng được giảm giá đáng kể trong vài tháng vừa qua, thông tin về Toyota Veloz và Avanza đời mới chuẩn bị ra mắt ít nhiều khiến doanh số của Xpander bị ảnh hưởng.

Tại Indonesia, Mitsubishi Xpander 2022 đã được giới thiệu từ cuối năm trước. Nếu sớm được giới thiệu bản nâng cấp tại Việt Nam, Xpander có thể duy trì khả năng cạnh tranh với những đối thủ cùng hạng, cũng như thúc đẩy doanh số bán hàng cho hãng xe Nhật Bản trong năm nay.

Ford Ranger tiếp tục dẫn đầu nhóm bán tải

 

Nhắc đến bán tải tại Việt Nam thì Ford Ranger luôn là cái tên nổi bật nhất với doanh số thường xuyên lọt top xe bán chạy và dẫn đầu phân khúc.

Đơn cử, năm 2021 mẫu pick-up Mỹ bán ra 15.650 xe, con số chiếm 66% lượng xe bán ra của Ford Việt Nam và áp đảo hoàn toàn các đối thủ Nhật Bản như Toyota Hilux (4.413 xe), Mitsubishi Triton (3.683 xe), Mazda BT-50 (1.288 xe), Isuzu D-max (291 xe)...

Đến tháng 1 vừa qua, tỷ lệ đóng góp của Ranger vào doanh số chung của hãng xe Mỹ còn cao hơn, lên đến 77% với 757 chiếc lăn bánh. Trong khi kết quả bán hàng của Everest là 128 xe, còn EcoSport chỉ bán được 87 chiếc.

Điều bất ngờ trong tháng đầu năm là Triton thu hẹp được khoảng cách với Ranger bằng doanh số 711 chiếc. Mẫu bán tải của Mitsubishi ra mắt 2 phiên bản Athlete hồi cuối năm 2021 với một vài nâng cấp đáng chú ý. Còn lại, D-max (138 xe) BT-50 (120 xe) hay Hilux (10 xe) tiếp tục lép vế trước Ford Ranger.

 

Tuy nhiên, Mitsubishi Triton cũng như các mẫu bán tải nhập từ Thái Lan khác từ nay đến hết tháng 5 vẫn chịu bất lợi trước Ford Ranger ở mức ưu đãi lệ phí trước bạ dành cho xe CKD. Ranger hiện là dòng pick-up duy nhất được sản xuất trong nước, tuy nhiên đi kèm với đó là mức giá thuộc diện cao nhất phân khúc.

Việc doanh số của mẫu bán tải này xuống thấp trong tháng vừa qua một phần đến từ nguồn cung linh kiện hạn chế cũng như việc thế hệ Ford Ranger mới được xác nhận sẽ trình làng tại Việt Nam trong năm nay.

Trong thời gian chờ đợi các phiên bản nâng cấp, “phong độ” của Ranger có thể ít nhiều bị ảnh hưởng, tuy nhiên đây gần như chắc chắn vẫn là dòng sản phẩm quan trọng nhất của Ford khi mà EcoSport hay Everest khó có thể tạo được bước đột phá về mặt doanh số.

Bảng giá xe
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm