Kinh doanh và tiêu dùng

Giá điện áp mái và 'cú sốc' của nhà đầu tư

Bộ Công Thương khẳng định, việc giảm 30% giá mua điện mặt trời áp mái so với giá cũ vẫn thu hút nhà đầu tư, trong khi nhiều ý kiến cho rằng đây là mức giảm quá sâu, có thể khiến nhà đầu tư không còn mặn mà phát triển loại nguồn điện này.

Tỏi mất giá, Tết của người dân Lý Sơn kém vui / Đào, quất, cây cảnh giảm giá mạnh nhưng vẫn ít người mua


Các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM có lợi thế là những mái nhà của nhà máy rất rộng, phù hợp với việc phát triển điện mặt trời áp mái. Với chính sách giá mua điện mặt trời áp mái là 8,38 cent/kWh, nhiều doanh nghiệp (DN) đã hồ hởi, phấn khởi đầu tư.

Nhà đầu tư kém mặn mà

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM, cho hay từ ngày 31/12/2020, chính sách giá ưu đãi trên ngưng áp dụng và dự thảo mới của Bộ Công Thương đưa ra mức giá giảm xuống 5,3-5,8 cent/kWh thì đây là sự sụt giảm quá lớn khiến nhà đầu tư không mặn mà.

dien-mat-troi-ap-mai-tren-nha-4299-7279-

Bộ Công Thương đề xuất giảm 30% giá mua điện mặt trời áp mái.

Ông Bé cho rằng: Mức giá này dường như “triệt tiêu” điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp không cách nào làm nổi. Nếu với cách tính cũ là 8,38 cent/kWh thì khoảng 5 -7 năm, nhà đầu tư có thể hoàn vốn, nhưng với giá như dự thảo thì phải mất hơn chục năm. Như vậy, không ai muốn làm".

Trong khi đó, ông Trần Văn Nhơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam, nhìn nhận với cách tiếp cận của chính sách là ưu tiên DN, hộ gia đình lắp điện mặt trời áp mái để tự dùng hơn là bán. Tuy nhiên, để đảm bảo DN có động lực đầu tư, thì Nhà nước có thể quy định cam kết lượng điện tiêu thụ của DN nhưng với sản lượng điện dư thừa còn lại cần có giá mua cao, thậm chí giữ nguyên 8,38 cent/kWh như hiện nay.

Ông Nhơn mong muốn chính sách cần phải khoanh vùng đối tượng khuyến khích dựa trên điều kiện thực tế, người muốn làm tự dùng thì chỉ cần bán 60 - 70% với giá cũ thì họ sẵn sàng đầu tư tiếp. Ngược lại, các đối tượng mà muốn sản xuất ra chỉ để bán cho Nhà nước thì giá có thể giảm mạnh là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, cơ chế giá có thể phân theo vùng để thúc đẩy những vùng có lượng bức xạ thấp để tránh tình trạng đầu tư tập trung vào những khu vực nhất định.

Theo dự thảo của Bộ Công Thương về cơ chế giá cho điện mặt trời sẽ giảm giá mua từ 8,38 cent/kWh xuống còn 5,2-5,8 cent/kWh, tuỳ theo công suất lắp đặt từng dự án thay vì cùng một mức giá như trước. Quy mô càng lớn, giá càng thấp nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu công nghiệp.

Lý giải về quyết định này, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, giá điện mặt trời áp mái chỉ còn 5,2 cent/kWh với từng loại công suất dự án và điều này là phù hợp với tình hình mới. Hiện, chi phí thiết bị, chi phí sản xuất điện mặt trời mái nhà đã giảm do công nghệ sản xuất điện mặt trời đã tiên tiến hơn. Đồng thời, hiệu suất của các tấm pin năng lượng mặt trời cũng được nâng cao, từ khoảng 16-17% lên mức 19-30%, hợp lý để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư.

 

"Giảm 20-30% giá mua điện mặt trời áp mái là đã tính toán lợi ích đảm bảo giữa các bên như EVN, nhà đầu tư, Nhà nước", ông Dũng nhấn mạnh.

Nên chia theo vùng?

Ở góc độ chuyên gia, ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, phân tích để xây dựng giá mua điện thì cần phải tính toán dựa trên cơ sở khoa học. Ví dụ như suất đầu tư là bao nhiêu, giá thành để sản xuất ra 1kWh điện, vốn để đầu tư ra sao... Để bảo đảm hài hòa lợi ích của người đầu tư, người sản xuất ra điện; đồng thời phải bảo đảm lợi ích của người mua điện. Ví dụ, EVN phải kinh doanh lại giá điện ấy, nếu như đưa ra một giá điện quá cao mà bất hợp lý sẽ gây khó khăn cho EVN trong việc cân bằng giá điện.

Tiếp đến là bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư. Đầu tư phải có lãi chứ bán điện với giá quá thấp, không đáp ứng được thì họ không đầu tư nữa, khi đó sản lượng điện sẽ giảm, dẫn tới mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo để dần dần thay thế năng lượng truyền thống bị ảnh hưởng.

Với mức giá mà Bộ Công Thương đưa ra, ông Thiện đánh giá vẫn có thể phát triển được điện mặt trời áp mái nhưng sẽ chậm lại bởi các nhà đầu tư sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ về lợi ích. Vì vậy, cơ quan quản lý cần phải tính toán mức giá làm sao vừa phát triển được mà vừa phải đảm bảo an ninh năng lượng. Theo đó, vị chuyên gia trên đề xuất, giá mua điện cần giảm từ từ để nhà đầu tư kịp thích ứng, cụ thể giảm khoảng 20% - tức khoảng 6 - 6,35 cent/kWh sẽ phù hợp hơn.

 

Đặc biệt, ông Thiện cũng cho rằng giá mua điện nên chia theo vùng thì sẽ công bằng và hợp lý hơn. Tất nhiên, điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà quản lý. Theo địa hình, miền Trung và miền Nam rất thuận lợn cho phát triển điện mặt trời nhưng đó là dưới góc độ chuyên môn về mặt kỹ thuật, còn vấn đề quản lý sẽ rất khó để xây dựng hài hòa và lợi ích giữa các bên.

Còn theo ông Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng Năng lượng tái tạo thế giới, chính sách giảm giá được đưa ra nhằm mục đích giảm rủi ro trong quản lý đối với các dự án lấy đất nông nghiệp mà làm điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì nếu áp dụng việc giảm giá như đề xuất của Bộ Công Thương có lẽ lại gây thiệt thòi cho các nhà đầu tư điện trên mái nhà xưởng.

Ông Bình nhìn nhận: Chúng ta biết rằng đầu tư điện mặt trời áp mái một nhà xưởng sản xuất từ vài chục tỷ lên đến hàng trăm tỷ đồng, số tiền rất lớn. Đó cũng là một phần trong đầu tư của họ, không thể nói đầu tư để lấy điện tiêu thụ cho nhà máy. Họ đầu tư để vừa dùng vừa bán, có mục đích rõ ràng và theo đúng chính sách khuyến khích của Chính phủ. Vì vậy, việc giảm giá mua vào hơn 3 cent/kWh là khá đột ngột.

"Chính sách thay đổi nhanh quá sẽ gây ra xáo trộn trong chiến lược phát triển điện mặt trời áp mái của Chính phủ", ông nói.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm