Kinh doanh và tiêu dùng

Giá lợn hơi trông chờ 'canh bạc' Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán được kỳ vọng là thời điểm giúp giá lợn tăng trở lại, người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu chưa tăng cao do tác động của dịch bệnh COVID-19, nếu không chọn thời điểm xuất chuồng phù hợp, người chăn nuôi có thể thua lỗ bất cứ lúc nào.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không lo thiếu thịt lợn khi Vissan giảm hoạt động / Thịt lợn giá rẻ vẫn chỉ ở trên... tivi

Khảo sát thị trường lợn hơi ngày 10/1 cho thấy,giá lợn hơi dao động trong khoảng trên dưới 50.000 đồng/kg. Theo dự báo, giá lợn hơi có thể đạt mốc 60.000 đồng/kg vào Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Khó đạt mốc 80.000 đồng/kg

Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi ngày 10/1 ở Đồng Nai dao động trong khoảng từ 53.000 - 55.000 đồng/kg. Thị trường sôi động hơn rất nhiều.

gia-lon-hoi-9263-1641788532.jpg

Giá lợn hơi rất khó để đạt mốc 80.000 đồng/kg như Tết năm ngoái.

Ông Đoán cho hay, những ngày gần đây, giá lợn hơi đang được điều chỉnh tăng theo ngày, vì vậy các thương lái cũng tăng gom hàng hơn. Song, với mức giá trên thì người chăn nuôi theo quy mô công nghiệp mới chỉ hòa vốn, chứ chưa được lãi. Còn người chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn có thể lỗ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, giá lợn hơi từ nay đến Tết Nguyên đánsẽ tăng nhưng để đạt mức 80.000 đồng/kg như năm ngoái là khó.

"Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu chưa tăng, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, không ai dám chắc giá lợn hơi có thể lại rớt giá bất cứ lúc nào. Vì vậy, người chăn nuôi không dám giữ hàng để chờ giá tăng thêm", ông Đoán chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nhu cầu tiêu thụ thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng không bằng các năm trước vì thu nhập người dân chưa phục hồi.

Tổng đàn lợn của cả nước vẫn duy trì ở mức 28 triệu con. Do đó, giá lợn hơi dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng chỉ dao động ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg, mức giá hài hòa giữa 3 khâu sản xuất - lưu thông - tiêu dùng. Sẽ rất khó có đột biến giá xảy ra, bởi 16 doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn hàng 5,5 triệu con lợn dịp Tết. Chưa kể, giá lợn hơi thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ giảm nhẹ vì nhu cầu tiêu thụ giảm, thu nhập của người dân chưa tăng.

 

Với dự báo mức giá trên, ông Trọng cho biết, những hộ nông dân nhỏ lẻ đã hòa vốn và có lãi nhẹ. Còn các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi có thể lãi 10.000 - 15.000 đồng/kg vì chi phí sản xuất chỉ dao động 45.000 đồng/kg.

Theo ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, năm nay doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm tươi sống là 2.800 tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước; mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng khoảng 6%.

Ngoài ra, Công ty Vissan cũng chuẩn bị thịt lợn đông lạnh khoảng 1.000 tấn, đóng gói 2 quy cách là 2 kg và 1 kg. Trường hợp nếu có biến động về nguồn thịt, Vissan sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt.

Người chăn nuôi không mặn mà tái đàn

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, hàng năm giá lợn hơi thường tăng dần từ thời điểm cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay, giá lợn hơi những ngày qua biến động không đáng kể. Hiện, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, phần lớn cơ sở chăn nuôi đang chịu lỗ.

 

Trước lo ngại về bùng phát của dịch bệnh trên diện rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi có thể phải dừng nuôi. Theo nhận định của các chuyên gia ngành chăn nuôi, nhiều khả năng giá lợn hơi còn giảm hoặc duy trì mức thấp trong dịp Tết Nguyên đán và quý I/2022 bởi sự lo ngại về biến thế mới của COVID-19 khiến biện pháp chống dịch được siết chặt, các bếp ăn công nghiệp, trường học chưa trở lại hoạt động bình thường...

Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, ít nhất phải hòa vốn thì người chăn nuôi mới dám tái đàn. "Trong bối cảnh hiện nay, chi phí chăn nuôi đang tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy ngay cả khi giá giống giảm xuống 80.000 đồng/kg thì chúng tôi cũng không dám tái đàn vì sợ thua lỗ", Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ.

Theo ông Đoán, gia đình có trang trại chăn nuôi lợn khoảng 2.000 con nhưng từ tháng 5/2021 đã giảm quy mô xuống còn 1.000 con. Nguyên nhân là thời điểm giá lợn xuống dưới 40.000 đồng/kg, mỗi con lợn xuất chuồng lỗ 1 triệu đồng nên buộc phải giảm quy mô để tồn tại.

Năm 2022, những khó khăn của ngành chăn nuôi như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm, dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn đó... Vì vậy, viễn cảnh để phát triển tươi sáng là rất khó khăn.

Trên thực tế, hiện nay, cuộc chơi trong ngành chăn nuôi chủ yếu thuộc về các tập đoàn lớn. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọngdự báo nguồn thịt lợn cung cấp từ các doanh nghiệp lớn có thể chiếm tỷ trọng 30% trong năm 2022.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đang "bắt tay" nhau để mở rộng chăn nuôi theo chuỗi như De Heus Việt Nam mua lại 14 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Masan. De Heus cũng "bắt tay" với Hùng Nhơn xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao 65 triệu USD với trang trại lợn cụ kỵ và ông bà. Những chiến lược này nhằm củng vố vị thế của De Heus trong ngành chăn nuôi từ nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm đầu ra.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm