Kinh doanh và tiêu dùng

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không lo thiếu thịt lợn khi Vissan giảm hoạt động

Mặc dù Vissan thông báo tạm thời giảm sản lượng thịt lợn tươi sống cho các siêu thị do phát hiện có ca mắc COVID-19, nhưng sáng nay 29/7, một số đơn vị khác như: CP, Sagrifood, Masan... thông báo sẽ tăng gấp đôi lượng thịt mát cho thị trường, không lo bị thiếu.

Những loại đặc sản "nhà nghèo" khiến dân Hà Nội săn lùng, mê mệt / Thị trường điều hòa hút khách

Hiện tại, ngoài 42 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), công ty này còn cung cấp thịt lợn tươi sống cho hàng ngàn điểm bán thuộc hệ thống của Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Satra Mart, Satra Foods, Aeon Citimart, Aeon, Vinmart, Vinmart+, MM Mega Market... Do đó, các hệ thống bán lẻ này đang nhanh chóng tăng cường nguồn cung từ các nhà cung cấp khác như Anh Hoàng Thy, CP, Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), Masan và các nguồn liên kết khác để bù đắp lượng thiếu hụt.

Cua-hang-MEATDeli-7944-1627548625.jpg

Tập đoàn Masanthông báo sẽ tăng gấp đôi lượng thịt mát cho thị trường, không lo bị thiếu.

Ngày 29/7, chia sẻ với VnBusiness,Tập đoàn Masan cho biết ưu tiên hàng đầu của đơn vị này là tập trung cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thịt sạch với giá cả ổn định cho người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.

"Tại TPHCM, MEATDeli vẫn đang cung ứng 100.000 - 150.000 hộp thịt mát mỗi ngày, tương đương từ 35 – 50 tấn thịt/ngày. Tại Hà Nội, sản lượng cung ứng được chuẩn bị ở mức tăng gấp đôi so với trước đây", đại diện tập đoàn này thông tin cho báo giới sáng 29/7.

Về nguồn cung nguyên liệu, Masan cho biết đang sở hữu trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An với quy mô 250.000 lợn thịt mỗi năm. Bên cạnh nguồn heo tự cung cấp này, đơn vị này còn có các hợp đồng dài hạn đến cuối năm với các nhà cung cấp khác, đảm bảo cung cấp nguồn thịt sạch đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ hợp chế biến thịt mát tại MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ linh hoạt điều chuyển nguồn cung từ Bắc vào Nam và ngược lại.

Trước lo ngại dịch bệnh lan rộng có thể tiếp tục ảnh hưởng tới các nguồn cung ứng khác cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đại diện Masan thông báo: các tổ hợp chế biến thịt của MEATDeli tại Hà Nam và Long An đang tuân thủ nghiêm túc chỉ thị "3 tại chỗ" ngay khi có yêu cầu của cơ quan chức năng và đã thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế ngay từ khi bùng phát dịch COVID-19.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, do có các ca nhiễm COVID-19 nên hiện Công ty Vissan đã giảm hoạt động ở khâu pha lóc và khâu bốc xếp cũng đang gặp khó. Đơn vị này đã thông báo đến khách hàng là ngưng cung cấp mặt hàng thịt lợn đóng vỉ, hiện chủ yếu cung cấp thịt lợn mảnh (đã mổ).

 

Trong đó, TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ thịt lợn đóng vỉ Vissan lớn nhất, đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân chủ yếu mua hàng hoá tại các siêu thị.Vì vậy, thông tin này khiến người tiêu dùng lo lắng nguy cơ thiếu thịt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định, sẽ không ảnh hưởng tới giá và lượng hàng cung cấp thịt lợn trên thị trường.

Cụ thể, trường hợp Vissan tạm ngưng, Sở NN&PTNN TP Hồ Chí Minh sẽ xem xét các phương án đẩy nhanh phòng chống dịch để đưa Vissan trở lại hoạt động giết mổ trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tăng lượng giết mổ từ các cơ sở khác tại TP Hồ Chí Minh để bù đắp vào lượng thiếu hụt; nhờ các tỉnh, thành tăng cường giết mổ lợn đưa về TP Hồ Chí Minh.

Ngoài các kịch bản trên, lượng thịt lợn đông lạnh hiện còn dồi dào tại nhiều đơn vị, có thể bù đắp vào nguồn cung. "Thực tế, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của TP Hồ Chí Minh từ trên dưới 10.000 con lúc bình thường hiện xuống còn 6.000 - 7.000 con/ngày. Do đó, với các phương án đưa ra được triển khai thuận lợi, việc thiếu hụt thịt từ nhà máy Vissan không đáng lo ngại", đại diện Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh nhận định.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm