Kinh doanh và tiêu dùng

Lo lạm phát nhưng đừng thái quá

Nhiều ý kiến lo ngại về lạm phát tăng trong năm nay, nhất là khi thực hiện gói kích thích kinh tế, cũng như giá xăng dầu đang giữ đà tăng liên tiếp trong những kỳ điều hành gần đây. Song, cũng có ý kiến cho rằng không nên lo lắng quá.

Ngày vía Thần Tài ở miền Tây: Cá lóc, vàng “ngóng” khách / Sau dầu mỏ, khí đốt và than đá, tình trạng thiếu nhiên liệu toàn cầu lan sang dầu diesel

Dự báo trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/2, nếu không có sự can thiệp mạnh của quỹ Bình ổn, giá xăng dầu trong nước có thể được điều chỉnh tăng trung bình trong khoảng 1.000 đồng/lít/kg. Đáng lo ngại dự báo trong thời gian tới, giá xăng dầu Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực từ đà tăng giá trên thị trường thế giới.

Áp lực từ giá xăng dầu

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng liên tục và đang ở mức cao nhất trong 8 năm gần đây, có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng.

Nguyên nhân là do nhu cầu xăng dầu tăng mạnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Yếu tố đầu cơ cũng tạo tâm lý đẩy giá tăng. Điều này dẫn tới giá xăng dầu thành phẩm trong nước dự báo chịu áp lực trong thời gian tới.

lam-phat-1583-1644484263.jpg

Nhiều lo ngại về lạm phát được đặt ra trong đầu năm mới 2022.

Xăng dầu là mặt hàng đầu vào, ảnh hưởng tới giá thành của nhiều loại hàng hóa khác nhau. Vì vậy, ngay tháng đầu năm những lo ngại về việc xuất hiện mặt bằng giá mới hay lạm phát đã được đặt ra.

Trong năm 2021, công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai) đã phải tiến hành điều chỉnh giá nguyên vật liệu gang đúc do có rất nhiều loại nguyên vật liệu, phụ gia đã tăng vượt quá 100%, loại tăng thấp nhất trên 40% so với cùng kỳ trước đó.

Vì vậy, ông Tứ chia sẻ với VnBusiness, năm nay nếu tình hình giá cả tiếp tục tăng như vậy, khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh giá thì có lẽ sẽ mất nhiều khách hàng. "Mỗi một lần điều chỉnh giá, chúng tôi phải tính toán rất kỹ, làm sao phải chia sẻ được cho khách hàng, chứ không họ sẽ chọn đối tác khác", ông Tứ lo lắng.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, việc kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức không hề nhỏ cho công tác điều hành. Lạm phát thế giới tăng lên, Việt Nam là nền kinh tế mở thì khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Cụ thể, lý do lạm phát chi phí đẩy là nguồn cung đầu vào tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì giá một số mặt hàng, giỏ hàng hoá, dịch vụ tăng lên. Bên cạnh đó, lạm phát do cầu kéo, năng lực sản xuất của doanh nghiệp thấp đi, sản phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu người dân không đủ, người dân trả nhiều tiền để mua một mặt hàng thiết yếu, điều này vô hình thiết lập mặt bằng giá mới.

 

"Giá cả nguyên vật liệu đầu tư công đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này, nhà thầu mạnh trường vốn vượt qua được, lấy công trình sau bù đắp lại thiếu hụt này, nhưng với nhà thầu nhỏ thì đây là câu chuyện lớn. Doanh nghiệp tính toán lỗ lớn quá thì không chịu được, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình", ông Phương bày tỏ lo ngại.

Tại sao phải lo khi lạm phát đang ở mức thấp?

Trước tình hình biến động khó lường của giá xăng dầu, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng Bộ Công Thương cần có kế hoạch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, loại bỏ thông tin sai lệch về thị trường, không để xảy ra lạm phát do tâm lý. Với mặt hàng xăng dầu, Bộ cần theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, kết hợp sử dụng quỹ bình ổn linh hoạt để điều chỉnh.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần ký hợp đồng dài hạn để nhập khẩu nguyên vật liệu. Theo Tổng cục Thống kê, giá nhiên nguyên vật liệu của thế giới có thể tiếp tục tăng cao nên doanh nghiệp cần nhanh chóng ổn định đầu vào, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn lạc quan hơn, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra quan điểm năm 2021, lạm phát của Mỹ hay châu Âu cao như vậy - người ta có lo nhưng cũng không nói nhiều như chúng ta, dù lạm phát tăng thấp nhất trong vài chục năm qua.

 

Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020, đạt được mục tiêu kiểm soát dưới 4%, cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. "Tại sao lạm phát ở mức thấp mà ta lo nhiều tới vậy? Không chỉ năm nay mà năm nào tôi cũng thấy chúng ta lo lạm phát", ông Cung nói.

Trong khi đó, nhìn ra thế giới, lạm phát ở Mỹ cao nhất 40 năm qua, châu Âu cũng vậy, các nước này họ lo nhưng không nói nhiều như chúng ta.

TS. Cung cho rằng, muốn biết lạm phát hay không thì phải phân tích yếu tố nào tác động, phân tích nguyên nhân lạm phát cầu kéo hay chi phí đẩy tạo thành.

Về nguyên nhân do cầu kéo, tiêu dùng giảm mạnh, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, dành tiết kiệm để phòng thân cao hơn, vậy làm sao lo lạm phát? Thu nhập thấp có ai mua gì để tiêu đâu, thì lấy đâu ra lạm phát? ông Cung đặt câu hỏi.

Về chi phí đẩy, tiêu dùng không cao thì doanh nghiệp cũng không mặn mà sản xuất nhiều; xu hướng tiết kiệm cao, không ai mua hàng, doanh nghiệp tăng sản xuất, cung nguyên liệu cao mà nhu cầu giảm, doanh nghiệp sẽ lâm cảnh phá sản.

 

"Giá xăng cũng vậy, có tăng lên rồi sẽ có xuống khi thị trường tự điều chỉnh. Điều này cũng diễn ra nhiều năm qua rồi chứ không phải xa lạ gì mà chúng ta lo ngại", ông Cung dẫn chứng và cho rằng việc kiểm soát lạm phát rất quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, chưa bao giờ hết lo nhưng đừng vì lo mà nói quá nhiều, không dám làm gì.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm