Kinh doanh và tiêu dùng

Phân phối đa kênh ‘gọi tên’ thực phẩm Việt

Mặc cho sức tác động của dịch Covid-19, nhờ đưa sản phẩm phân phối đa kênh từ rất sớm, nhất là ở các kênh phân phối mới và bám trụ ở kênh siêu thị, đã giúp một số doanh nghiệp nội địa trong ngành thực phẩm có sức tăng trưởng ngoạn mục.

Việt Nam phải cạnh tranh với Trung Quốc để nhập khẩu thịt lợn / Bao nhiêu khách hàng đã được giảm tiền điện?

Tuy có nhiều ngành hàng chịu tác động lớn do dịch Covid-19, thế nhưng với nhóm ngành thực phẩm, một số doanh nghiệp (DN) nội địa vẫn thể hiện sức tăng trưởng tốt nhờ chủ động phát triển phân phối đa kênh.

Tăng trưởng ngoạn mục

Ông Lê Đức Duy, Phó tổng giám đốc CTCP kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, sức tăng trưởng của công ty từ đầu năm đến nay được giữ ở mức 10 - 15%, trong đó tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 34%.

Kênh phân phối thực phẩm qua siêu thị có mức tăng đột biến trong mùa dịch Covid-19

Kênh phân phối thực phẩm qua siêu thị có mức tăng đột biến trong mùa dịch Covid-19

Sự tăng trưởng lợi nhuận ngoạn mục này được ông Duy lý giải là vì sản lượng thực phẩm mà công ty bán ra trong mùa dịch Covid-19 ở kênh siêu thị có mức tăng trưởng đột biến, trong khi kênh truyền thống thì lại giảm xuống.

“Thực ra, việc gia tăng phân phối ở kênh siêu thị đã nằm trong chiến lược của công ty chúng tôi từ năm 2020. Trong kế hoạch dài hạn là sẽ xoay chuyển đưa tỷ trọng hàng bán trong kênh siêu thị tăng trưởng nhanh hơn so với kênh truyền thống”, ông Duy nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề buổi trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2020 diễn ra cuối tuần trước ở Tp.HCM, vị phó tổng giám đốc Việt Sin nhấn mạnh thêm là kênh siêu thị luôn tạo cho lợi nhuận tốt với các DN ngành thực phẩm và có độ bền vững hơn nhiều so với kênh truyền thống.

Với kênh truyền thống, theo ông Duy, những đối tác có thể hợp tác với công ty trong thời gian ngắn hạn, họ có thể lợi dụng thương hiệu của công ty nhưng thực ra thì họ còn kinh doanh những thực phẩm trôi nổi, không thương hiệu, giá rẻ.

 

Và với những DN thực phẩm nội địa thuộc dạng lớn khi nhìn vào vấn đề này thì họ thấy rằng những đối tác truyền thống như vậy sẽ không thể hợp tác lâu dài.

Do đó, các DN thực phẩm sẽ đẩy mạnh gia tăng phân phối vào hệ thống siêu thị hoặc là kênh Horeca (kênh bán hàng thông qua khách sạn, nhà hàng và quán cà phê thì phù hợp cho các sản phẩm thực phẩm và thức uống).

Ngoài việc tập trung vào kênh siêu thị hay kênh Horeca, nhiều DN thực phẩm nội địa cho biết họ đang tận dụng xu hướng mua sắm đa kênh để đưa thực phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và tăng sức cạnh tranh với thực phẩm ngoại.

Ông Lương Đăng Sơn, Giám đốc CTCP cung ứng thực phẩm sạch Sài Gòn (SagoFood), cho rằng dịch Covid-19 vừa qua đã có nhiều tác động tiêu cực đến các DN nhưng xu hướng của người tiêu dùng thì đã và đang thay đổi. Họ muốn ngồi nhà, muốn mua hàng trực tuyến (online), muốn được giao tận nơi, họ muốn được chăm sóc sức khoẻ hơn…

Vì vậy, theo ông Sơn, phía công ty ngoài việc tập trung vào những thực phẩm có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng thì còn chú trọng phát triển vào kênh phân phối online khi mà người mua đang dành nhiều thời gian để mua sắm qua kênh này.

 

Thích ứng để không tụt lại

Điểm đáng ghi nhận ở Sagofood là sức tăng trưởng của họ từ đầu năm đến nay đạt đến mức tăng 60%, một con số trong mơ với nhiều DN nội địa trong những ngành hàng khác vốn đang chật vật vì dư âm Covid-19.

“Chúng tôi đang tập trung phát triển thế mạnh của mình là tập trung bán hàng online. Nhất là khai thác trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada...để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn”, Giám đốc Lương Đăng Sơn nói.

Ngoài ra, ông Sơn chia sẻ thêm là công ty đang tập trung vào một kênh phân phối khá là mới mẻ trên mạng xã hội là kênh Tiktok với thông điệp “trẻ” được đưa đến với các khách hàng trẻ dù có thể là hơi “nhí nhố” một chút.

Chẳng hạn như việc làm một clip sản phẩm có tính chất “nhí nhố” trên kênh Tiktok nếu thu hút cả triệu người xem thì sẽ có lan toả rất lớn cho thương hiệu thực phẩm Việt.

 

Một cuộc khảo sát mới đây của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy thực phẩm là một trong những mặt hàng được sử dụng nhiều hơn cả trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 và vẫn là ưu tiên trong lựa chọn tiêu dùng trong tương lai gần.

Đơn cử như ở Tp.HCM qua thăm dò thì trong tương lai gần họ vẫn ưu tiên tiêu dùng sản phẩm nhóm ngành hàng thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn so với các địa phương khác.

Và như kết quả khảo sát đã thể hiện rõ mua sắm đa kênh là xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng hiện nay.

Điển hình với mặt hàng thực phẩm Việt thì người tiêu dùng chọn việc mua sắm qua kênh đại siêu thị chiếm trên 50%, đến với kênh siêu thị thì khoảng 35%, rồi đến kênh cửa hàng tiện lợi là gần 30%, với kênh sạp, ki ốt tại chợ là hơn 20%, kênh tạp hoá dưới 20%, kênh online gần 20%, còn với các cửa hàng chuyên hoặc đại lý thì khoảng 10%.

Nhìn từ những cuộc khảo sát trong thời gian qua thể hiện rõ trào lưu mua sắm đa kênh, giới chuyên gia nhấn mạnh đó là xu thế tất yếu và ngành hàng thực phẩm Việt phải thích ứng nhanh với xu hướng này nếu không muốn bị tụt lại ở phía sau.

 

Nếu nhìn vào sức tăng trưởng ngoạn mục ở một số DN nội địa trong ngành thực phẩm dù gặp tác động từ dịch Covid-19 thì có thể thấy phân phối đa kênh là yếu tố sống còn với thực phẩm Việt trong lúc này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm