Sức khoẻ

Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn bài tập phục hồi chức năng phổi hậu COVID-19 tại nhà

DNVN - Theo ThS. BS. Phạm Thị Lệ Quyên, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, 2,5-15% bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 có thể có triệu chứng kéo dài. Tập phục hồi chức năng tại nhà có vai trò quan trọng giúp người bệnh hồi phục tốt sau khi mắc bệnh.

Người bệnh huyết áp thấp nên ăn gì để hồi phục sức khỏe nhanh chóng? / Người bị sốt xuất huyết nên ăn gì để mau hồi phục sức khỏe?

Các bài tập đơn giản giúp phục hồi chức năng phổi sau nhiễm COVID-19 bao gồm kiểm soát khó thở, tăng tống thải đờm, tập cơ hô hấp và tập luyện thể lực.

1. Kiểm soát khó thở

Khi bị khó thở, bệnh nhân cần giữ bình tĩnh, dừng gắng sức và nghỉ ngơi. Chọn tư thế phù hợp giúp giảm khó thở và kiểm soát nhịp thở bằng cách thở chúm môi, tập trung vào nhịp thở, thở chậm, thư giãn và thở nhịp nhàng.

Tập kiểm soát nhịp thở bằng việc tập trung vào nhịp thở, thở chậm, thư giãn và thở nhẹ nhàng. Mím môi và hít vào bằng mũi trong 2 nhịp, giữ 3-5 giây nếu có thể. Chúm môi như đang thổi sáo và thở ra từ từ bằng miệng trong 4 nhịp. Đồng thời, kiểm soát nhịp thở khi đi bộ, leo cầu thang và lên xuống dốc: Hít vào bằng mũi trong 1-2 bước chân rồi thở ra bằng miệng chúm môi trong 1-2 bước chân.


Cùng với đó là dùng kỹ thuật thở hoành (thở bụng)

Và kỹ thuật thở ngực kết hợp tay


2. Các kỹ thuật tăng thải đờm dịch (khi có nhiều đờm)

Bao gồm kỹ thuật ho hữu hiệu và kỹ thuật thở chu kỳ chủ động.

Về kỹ thuật ho hữu hiệu: Ngồi trên giường hoặc ghế thư giãn, thoải mái. Hít vào chậm và thật sâu qua mũi. Sau đó nín thở trong vài giây, ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài. Hít vào chậm và nhẹ nhàng. Thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho.

Về kỹ thuật thở chu kỳ chủ động: Thở có kiểm soát, hít thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây, căng giãn lồng ngực bằng cách hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2-3 giây và thở ra nhẹ nhàng, lặp lại 3-5 lần. Hà hơi bằng cách hít thật sâu, nín thở 2-3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1-2 lần.



3. Tập tăng sức mạnh cơ hô hấp

Bao gồm tập thở với phế dung kế và tập thở với với bóng.

Khi tập thở với phế dung, người bệnh thở ra ngoài thật hết, ngậm ống và hít thật sâu, sao cho ống màu vàng nằm trong khoảng mặt kính trong. Phần màu trắng nâng lên đến đâu là số ml khí hít được.

Khi tập thở với với bóng, người bệnh hít vào thật sâu, nín thở, sau đó ngậm miệng và thổi ra thật hết sao cho quả bóng càng căng càng tốt. Tháo toàn bộ hơi và lặp lại động tác trên.


4. Tập luyện thể lực tại nhà

Khi tập luyện thể lực tại nhà, bệnh nhân cần tập từ từ tăng dần theo khả năng của bản thân. Tập các động tác từ đơn giản đến phức tạp, tăng dần cường độ tập. Thời gian tập luyện: duy trì tập thường xuyên 20-30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần và nên khởi động, làm giãn cơ làm mát trước và sau tập.

Bệnh nhân chú ý cần ngừng tập luyện khi có các dấu hiệu buồn nôn hoặc cảm thấy mệt, chóng mặt và đau đầu nhẹ hoặc khó thở nhiều hơn bình thường, ra mồ hôi quá mức, tức ngực, đau ngực tăng hoặc trống ngực, mệt mỏi quá mức hoặc sưng phù chân mới xuất hiện.

Bài tập khởi động


Bài tập tăng sức mạnh, sức bền chi


Bài tập giãn cơ, làm mát
Theo ThS. BS. Phạm Thị Lệ Quyên, có nhiều vấn đề sức khoẻ sau khi mắc COVID-19 hay còn gọi là COVID kéo dài. Bởi vậy, người bệnh sau khi khỏi COVID-19 cần tái khám chuyên khoa để được chẩn đoán sớm, đánh giá ảnh hưởng kéo dài và hướng dẫn chế độ theo dõi điều trị phù hợp.

Đồng thời, tập phục hồi chức năng tại nhà có vai trò quan trọng giúp người bệnh hồi phục tốt.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm