Số ca tử vong do bệnh dại có chiều hướng tăng so năm 2021
Trầy xước nhẹ khi bị chó cắn, bé trai phát bệnh dại rồi tử vong / Mắc bệnh dại tử vong 100%, vì vậy cần làm ngay những điều này sau khi bị chó cắn
Báo cáo của Cục Thú y cho biết, những năm gần đây có nhiều người tử vong vì bệnh dại. Bệnh dại hoàn toàn có thể phòng được bằng cách tiêm vaccine dại cho động vật, chăm sóc y tế kịp thời cho người không may bị động vật cắn.
Mục tiêu chung của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022- 2030 hướng đến việc kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Theo thống kê của Cục Thú y, năm 2021, cả nước có 53 người chết vì bệnh dại và hơn 530 ngàn người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Chỉ tính trong tháng 8/2022, cả nước xảy ra 36 trường hợp người tử vong do bệnh dại tại 15 tỉnh, thành. Trên động vật, qua công tác giám sát chủ động, đã phát hiện 100 trường hợp chó, mèo dương tính với vi rút dại tại 13 tỉnh. Tỷ lệ tiêm phòng trung bình cả nước đạt 40%.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết Dự án “Giám sát Cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2022”, sáng 7/9, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Chính phủ đã có Chương trình Quốc gia về phòng, chống bệnh dại.
Trong những năm vừa qua, công tác phòng chống bệnh dại đã có những bước tiến rất xa về đào tạo cán bộ chuyên sâu, trang thiết bị và phương pháp phân tích đánh giá giải trình gien, nên từng bước khống chế được bệnh dại.
“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng nhận thức của các địa phương và một số ban ngành về bệnh dại chưa được đầy đủ nên vẫn xảy ra những trường hợp chó cắn chết người. 8 tháng đầu năm 2022 số ca chết do bệnh dại tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, hiện có gần 40 người/26 tỉnh thành chết vì bị bệnh dại. Như vậy, việc phòng chống bệnh dại còn phải kiên trì, tăng cường nguồn lực, cần học hỏi kinh nghiệm của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều năm về phòng, chống bệnh dại”, ông Tiến nói.
Nhắc tới các tồn tại cần khắc phục trong công tác phòng, chống bệnh dại, Thứ trưởng BộNN&PTNT cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại chưa cao. Đây là trách nhiệm của các chi cục thú ý, cụ thể là trạm thú ý địa phương. Tiếp theo là việc quản lý chó (khi ra đường phải đeo rọ), điều này các địa phương chưa quản lý tốt, các gia đình chưa thực hiện nghiêm.
Theo ông Tiến, sắp tới, Hội nghị về Chương trình Quốc gia về Phòng, chống bệnh dại giai đoạn mới (2022-2030) sẽ được tổ chức tại tỉnh Bến Tre - địa phương có số người chết nhiều nhất về bệnh dại (từ đầu năm tới nay có 12 người chết).
“Hội nghị này sẽ đưa ra giải pháp thực sự thiết thực nhất trong phòng, chống bệnh dại tại Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là khâu là tổ chức thực hiện. Tổ chức thú y phải vào cuộc tham mưu trực tiếp cùng địa phương để sớm đẩy lùi được căn bệnh nguy hiểm này”, ông Tiến nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo