Kinh doanh và tiêu dùng

Thế giới đã có cái nhìn tích cực về gia vị và hương liệu của Việt Nam

Với sự đa dạng về chủng loại cùng nét đặc trưng riêng có là những yếu tố tích cực để đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới.

Ảnh chi tiết Honda Gold Wing 2021 giá hơn 1,2 tỷ đồng tại Việt Nam / Cơ hội nào cho xe hybrid tại Việt Nam?

Nhu cầu nhập khẩu gia vị và hương liệu của thế giới đang tăng là tín hiệu tốt cho mặt hànggia vịvà hương liệu của Việt Nam. Trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Đến nay, hạt tiêu Việt Nam đã có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm đến 60% hạt tiêu xuất khẩu trên thế giới.

Nguồn cung quan trọng của thế giới

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư sê (Gia Lai) nhận định, hiện nay hồ tiêu bắt đầu một chu kỳ lên giá mới. Trong vài ba tháng tới và các năm tiếp theo giá cả sẽ tốt dần lên, khả năng đến cuối năm nay giá sẽ đạt từ 90.000-100.000 đồng/kg. Dự báo, giá hồ tiêu có thể đạt đỉnh như chu kỳ trước trong khoảng 8-10 năm tới và mức giá dự kiến có thể lên tới 250.000-300.000 đồng/kg.

Mặc dù giá cả hồ tiêu đã tăng lên, người trồng tiêu không còn bị lỗ và khả năng sẽ có giá tốt hơn trong tương lai, nhưng theo ông Hoàng Phước Bính, ngành hàng “vàng đen” này vẫn đối mặt khó khăn, thách thức nhất định. Điển hình như, giá cước tàu vận chuyển đi các nước Trung Đông, châu Âu, Mỹ… tăng lên quá cao, gấp 6-10 lần so với trước đây.

Các loại gia vị, hương liệu của Việt Nam rất đa dạng và luôn được thị trường quốc tế đón nhận.
Các loại gia vị, hương liệu của Việt Nam rất đa dạng và luôn được thị trường quốc tế đón nhận.

Theo ông Lê Đức Huy, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đang duy trì diện tích hồ tiêu là 130.000ha với sản lượng 180.000 tấn/năm. Dù dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam vẫn ổn định. Cùng với số lượng, chất lượng hạt tiêu của Việt Nam cũng được cải thiện và sản phẩm phong phú với tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm…

“Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu và nhiều loại gia vị, hương liệu khác của thế giới đang tăng trong khi một số nguồn cung giảm lượng xuất khẩu do những bất cập gây ra từ đại dịch Covid-19, chi phí logistics tăng vọt…”, ông Huy nhận định.

Khẳng định thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các loại gia vị, hương liệu của Việt Nam rất đa dạng và luôn được thị trường quốc tế đón nhận như quế, hồi, đinh hương, hạt tiêu, ớt nghệ, gừng... đây là những yếu tố hết sức quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới.

“Những năm vừa qua, thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân nhiều khu vực trên thế giới đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành gia vị và hương liệu Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị và hương liệu của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới”, ông Tài cho biết.

Cần đáp ứng thị hiếu của thị trường

 

Để sản xuất và xuất khẩu gia vị hương liệu của Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, các Bộ ngành và các cơ quan liên quan cần có thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới; về các khâu chế biến lưu thông tiêu thụ, từ đó giúp cho các thành phần trong ngành hàng biết được để có chiến lược phát triển phù hợp.

Ấn Độ là thị trường tiềm năng đối với gia vị, hương liệu của Việt Nam. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ nhập khẩu nhiều gia vị, trong đó có hồ tiêu. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu hương liệu, gia vị hằng năm của Ấn Độ đạt 1,4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hạt tiêu đạt 120 triệu USD và nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 25-30 triệu USD.

Để gia vị, hương liệu của Việt Nam xuất khẩu thành công ra thế giới nói chung và Ấn Độ nói riêng, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ, có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm, ví dụ, nhiều loại nguyên liệu gia vị trộn thành một loại gia vị với hương vị đặc trưng. Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu hương vị của các nước để làm ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của các thị trường này, tạo sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác...

Đối với thị trường châu Âu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V (Hà Lan) lưu ý, để gia vị Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường khối này. Nếu các công ty chưa có phòng nghiên cứu thị trường thì có thể tham gia hội chợ, tham khảo thông tin trên website của các hiệp hội, ngành nghề châu Âu.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hồ tiêu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới và xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam cũng sẽ khả quan hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu thu mua trở lại để chuẩn bị nguồn hàng cho xuất khẩu. Trong khi đó, giá hồ tiêu nội địa cũng tăng mạnh do dịch Covid-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, lượng hàng trong dân gần như đã hết, nếu đà tăng giá tiếp tục diễn ra, khi đạt mốc 90.000 – 95.000 đồng/kg, có thể lượng hàng tồn từ 2-3 năm trước sẽ được bán ra thị trường.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm