Kinh doanh và tiêu dùng

Thổi phồng công dụng mỹ phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ, Cốt Huyết Thanh như thuốc chữa bệnh

DNVN - Trên nhiều trang mạng đang quảng cáo rầm rộ sản phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ và Cốt Huyết Thanh của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kiệt Anh Khang (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) là sản phẩm trị mụn được nghiên cứu trên dược phẩm đến từ đông y, thống lĩnh thị trường trị mụn với nhiều đặc tính cực kì nổi bật.

Lực lượng QLTT phát hiện nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với khối lượng lớn / Tiếp tục phát hiện kho chứa nhiều sản phẩm quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm nhập lậu tại Quảng Ninh

Dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng

Hiện nay, nhiều sàn mua bán điện tử và mạng xã hội rầm rộ chào bán sản phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kiệt Anh Khang (công ty Kiệt Anh Khang) có công dụng điều trị tất cả các loại mụn, đặc trị mụn lâu năm. Những thông tin này khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đây là một loại thuốc chữa bệnh.

Quảng cáo mỹ phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ có dấu hiệu trái quy định, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Quảng cáo mỹ phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ có dấu hiệu trái quy định, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Tại website caomunsamdo.com.vn quảng cáo sản phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ mang thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp MEEA ORGANIC của công ty Kiệt Anh Khang có nguồn gốc hoàn toàn từ Việt Nam. Cao Mụn Sâm Đỏ được chiết xuất từ thiên nhiên với 36 vị thuốc đông y trong trị mụn, giúp loại bỏ dứt điểm các loại mụn như: Mụn ẩn, mụn viêm, mụn trứng cá, mụn cám, mụn đầu đen...

Nhiều người dân tin tưởng quảng cáo nên đã mua sản phẩm về sử dụng, sau đó mới tá hỏa khi biết sản phẩm trên tay chỉ là dạng mỹ phẩm thông thường. Trao đổi với phóng viên, anh L.M. (26 tuổi, sinh sống tại quận 12, TP Hồ Chí Minh), là khách hàng mua sản phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ chia sẻ, gần đây da mặt của anh xuất hiện tình trạng mụn ở mũi và cằm. Qua tìm hiểu trên mạng, anh M. tiếp nhận được thông tin tư vấn sản phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ có công dụng đặc trị các loại mụn, được sản xuất từ 36 vị thuốc chiết xuất tự nhiên, cụ thể là từ các thảo mộc tạo nên bài thảo dược nam trị mụn.

“Vì nghĩ đây là thuốc có thể chữa dứt điểm mụn nên tôi đặt mua một sản phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ (hộp 15gram) của công ty Kiệt Anh Khang về sử dụng. Tuy nhiên, sau khi nhận được hàng thì mới biết đây chỉ là dạng mỹ phẩm thông thường chứ không phải là thuốc như các đơn vị phân phối quảng cáo. Hiện nay tôi rất hoang mang, không biết có nên sử dụng tiếp hay không? Bỏ ra 350.000 đồng mua về mà vứt đi thì tiếc lắm”, anh M. nói.

Quảng cáo mỹ phẩm Cốt Huyết Thanh trên mạng xã hội Facebook

Quảng cáo mỹ phẩm Cốt Huyết Thanh trên mạng xã hội Facebook.

Tương tự sản phẩm Cao Mụn Sâm Đỏ, dù chỉ là mỹ phẩm thông thường nhưng nhiều tài khoản Facebook, trang thương mại điện tử vẫn cố tình phớt lờ để quảng cáo sản phẩm Cốt Huyết Thanh có công dụng cũng “thần thánh” không kém. Đáng nói hơn, để lấy niềm tin từ người tiêu dùng, một số tài khoản còn dùng từ “dược phẩm đông y” khi giới thiệu sản phẩm Cốt Huyết Thanh.

Cụ thể, tài khoản có tên Sang Sang viết: “Cốt Huyết Thanh - dược phẩm đông y nhà MEEA 36 vị không phải là hóa mỹ phẩm thông thường mà là một bài thuốc điều trị phục hồi đã có mặt từ rất lâu đời. Da yếu mỏng, phục hồi sau lăn kim tái tạo, trị sần da mụn li ti, cám, đầu đen. Dọn sạch sẽ dưỡng siêu mịn căng bóng sau 3 đêm sử dụng. Vị thuốc cho làn da những ngày mệt mõi, nhất định phải sở hữu."

Tài khoản MEEA Origin cũng giới thiệu sản phẩm Cốt Huyết Thanh đi kèm với những mỹ từ như: Tái tạo, chữa lành những vùng da bị hư tổn, nhiễm khuẩn, không bong tróc, sưng đỏ; kích thích tăng sinh collagen, phân giải sắc tố; căng bóng da, trẻ hóa, sáng bóng bề mặt da. Với thành phần thảo dược an toàn, nhẹ dịu, hiệu quả và siêu lành tính, bạn sẽ thực sự bất ngờ trước vẻ tươi trẻ, sáng mịn thậm chí lỗ chân lông được se khít đáng kể sau một thời gian sử dụng.

Cảnh giác khi mua mỹ phẩm trên mạng

Thị hiếu hiện nay “mỹ phẩm thảo dược thiên nhiên” là cụm từ khóa thu hút được sự quan tâm của chị em khi tìm kiếm mỹ phẩm để làm đẹp. Chính vì vậy, trên mạng xã hội và các diễn đàn mua bán online, các loại mỹ phẩm đã tận dụng tâm lý này để quảng cáo tràn lan các sản phẩm gán mác sử dụng nguyên liệu từ thảo dược thiên nhiên.

Đi kèm với những lời nói hoa mỹ này là hình ảnh sản phẩm được cho là an toàn tuyệt đối, thế nhưng, những sản phẩm này có thật sự được sản xuất đúng quy trình, xuất xứ nguyên liệu có đảm bảo hay không thì người dùng không hề hay biết. Trong trường hợp khách hàng sử dụng sản phẩm gặp vấn đề như biến chứng, hay tác dụng phụ thì không biết kêu ai. Nhiều người mua mỹ phẩm qua mạng đã nhận “trái đắng” khi gặp phải hàng kém chất lượng.

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, trung bình mỗi ngày Khoa Thẩm mỹ da của Bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng 2-3 ca tai biến do làm trắng da. Vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân nữ N.N.T (18 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) được mẹ đưa đến khám trong tình trạng da mặt nứt nẻ, bong tróc, đỏ rát kèm xuất hiện nhiều mụn. T. cho biết có mua một loại mỹ phẩm làm sáng da ở trên mạng, sau khi sử dụng da mặt bị rát, ngứa và bong da.

Hay như trường hợp của chị N.T.T.H (40 tuổi, làm việc tại Quận 5, TP Hồ Chí Minh), vì muốn có làn da căng mịn, trắng đẹp nên đã nghe lời người quen mua một lọ mỹ phẩm thảo dược thiên nhiên trên mạng với lời quảng cáo “Hiệu quả làm đẹp “miễn chê”, sử dụng nguyên liệu thảo dược thiên nhiên nên an toàn cho làn da…” để bôi lên mặt. Sau 3 ngày sử dụng mặt chị H. bị sưng nề, đỏ rát kèm ngứa. Quá hoảng sợ chị H. vội đến Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh để được thăm khám.

Bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, tư vấn cho bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, tư vấn cho bệnh nhân.

Là người quan tâm đến các sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên, chị Tiểu Vy (sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) thắc mắc: "Em nghe nói rất nhiều về mỹ phẩm thiên nhiên mà không biết cái gì là thật, cái gì là giả. Muốn mua mỹ phẩm về dùng nhưng phân vân không biết chọn thứ gì. Quảng cáo thì bảo hãy là người tiêu dùng thông minh, vậy khi chọn mỹ phẩm mình phải nhìn những thông số nào để biết được sản phẩm đó là an toàn?".
Về vấn đề này, Bác sĩ CKII Trần Kim Phượng (Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, các nhà sản xuất mỹ phẩm uy tín trước khi tung sản phẩm ra thị trường đều đã được thử nghiệm mức độ an toàn và hiệu quả. Không có thông số nào để biết sản phẩm đó là an toàn. Nếu có điều kiện, nên chọn mỹ phẩm có thương hiệu và được nhập khẩu chính thức, hoặc có thể sử dụng các loại dược mỹ phẩm được sản xuất bởi các công ty dược phẩm đa quốc gia uy tín.
Theo các bác sĩ, việc làm đẹp cần thực hiện khoa học. Đầu tiên phải xác định đúng vấn đề mà da đang mắc phải. Việc này sẽ được bác sĩ chuyên khoa da liễu đánh giá một cách chính xác và từ đó lựa chọn phương pháp làm đẹp thích hợp. Không nên chỉ tin vào những lời quảng cáo về hiệu quả làm đẹp tức thì. Khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc da, cần lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thành phần an toàn và điều quan trọng nhất là phải phù hợp với làn da. Nếu người dân có nhu cầu làm đẹp hãy tìm đến các cơ sở da liễu, thẩm mỹ uy tín để được bác sĩ tư vấn phương pháp làm đẹp phù hợp.

Quảng cáo gây hiểu nhầm công dụng là trái quy định

Theo quy định, những từ như "trị", "điều trị"… không được chấp nhận trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên cho sản phẩm mỹ phẩm. Theo Luật Quảng cáo năm 2012 đã có quy định cấm đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng kí hoặc đã được công bố.

Tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng "điều trị" để quảng cáo cho người tiêu dùng.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố.... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Đã có không ít trường hợp quảng cáo mỹ phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh bị xử phạt. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tại Khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính một số trường hợp vi phạm về việc: "Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định". Ngoài việc xử phạt hành chính, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu doanh nghiệp sai phạm phải tháo gỡ, xóa quảng cáo có nội dung không phù hợp.


Minh Tuấn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm