Trồng vải trên đất cằn cho thu nhập nửa tỷ đồng mỗi ha
Xót xa cảnh cà chua chín đỏ rụng thối đầy đồng / Choáng với giá bán quả tầm bóp
Khi những cây công nghiệp truyền thống như cà phê, hồ tiêu, cao su bị khủng hoảng bởi biến đổi khí hậu, giá cả bấp bênh, tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều nơi đã có những bước đột phá với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả. Cây vải đem từ miền Bắc về trồng trên các vùng đất cằn thuộc huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk là một điển hình, khi cho thu nhập đến nửa tỷ đồng mỗi hecta một năm.
Ông Lê Văn Minh, ở thôn 8, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk có 4 hecta đất rẫy. Trước đây, trên diện tích này ông trồng cà phê, hồ tiêu, nhưng cây tiêu bị chết hàng loạt, cây cà phê thì giá cả bấp bênh, lợi nhuận rất thấp. Khoảng 8 năm trở lại đây, ông bắt đầu chuyển đổi diện tích cà phê và hồ tiêu sang trồng cây vải, với những loại giống được tuyển chọn từ quê hương của ông ở Thanh Hà, Hải Dương. Trong đó, hai loại vải u hồng và u trứng sinh trưởng tốt và cho quả khá ngon nên ông tiến hành nhân rộng.
Đến nay, mảnh rẫy 4 hecta đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng vải, với 2 hecta đang thời kỳ kinh doanh, còn lại đã bắt đầu cho thu bói. Vườn cây của ông Minh cũng áp dụng tiêu chuẩn VietGap, từ đó cho ra sản phẩm chất lượng và giá bán khá tốt. Mỗi hecta vải kinh doanh một năm cho thu hoạch 15 tấn, với giá bán bình quân từ 35-40.000đ/kg, gia đình ông thu về từ 500-600 triệu đồng/hecta/năm, cao gấp chục lần so với trồng cà phê.
“Sản lượng nếu được mùa thì vườn này thu 50 tấn quả trở lên. Mô hình VietGap này thì mình rất nhiệt huyết, làm VietGap để mình học hỏi, tạo ra quả vải sạch, để cho bà con dùng sản phẩm vải sạch đảm bảo chất lượng”, ông Lê Văn Minh nói.
Khi vùng trồng vải phát triển, ở Ea Sar bà con nông dân đã dần hình thành những liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch kiêm giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình, xã Ea Sar cho biết, với việc thành lập hợp tác xã sẽ tạo điều kiện để bà con nông dân được cung ứng vật tư đầu vào chất lượng và giá cả hợp lý. Đồng thời, hợp tác xã cũng sẽ định hướng để bà con sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, GlobalGap, từ đó, có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường các nước lân cận cũng như các thị trường cao cấp như Châu Âu, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc.
“Tôi thành lập hợp tác xã mục đích là tìm đầu ra cho quả vải đi xa hơn. Ngoài thị trường trong nước thì tiến tới thị trường các nước. Tiến tới là có quy trình VietGap, truy xuất nguồn gốc, mã vạch. Bản thân mình cũng như người dân trồng vải, muốn làm sao để quả vải chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ea Kar cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá cả bấp bênh, nhiều cây trồng công nghiệp chủ lực trước đây như cà phê, hồ tiêu, cao su, hiệu quả không cao. Do đó, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với hệ thống chính trị cấp xã, thôn vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được khoảng 4.000 hecta từ cây công nghiệp sang cây ăn trái. Trong đó, riêng diện tích cây vải là khoảng 1.000 hecta và định hướng trong năm 5 năm tới sẽ đạt khoảng 3.000 hecta.
Theo ông Cư, điểm thuận lợi cho phát triển vải ở Ea Kar là khí hậu khác biệt nên vụ vải chín ở đây thường sớm hơn, khi kết thúc vụ 1 tháng thì mới tới vụ vải miền Bắc. Do đó, việc tiêu thụ cũng dễ dàng và giá bán khá cao. Ông Cư khẳng định, cây vải đang cho hiệu quả kinh tế vượt trội với các loại cây trồng khác. Cùng với phát triển vùng nguyên liệu, huyện đang thúc đẩy các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để sản xuất bền vững.
“Ngoài vấn đề chuyển dịch để làm sao có hiệu quả, bền vững cây trồng thì vấn đề liên kết nông dân và tổ chức sản xuất theo chuỗi là hết sức quan trọng. Chúng tôi cũng đã liên kết một số doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp đầu tư và liên kết với các hợp tác xã, nông dân. Để làm sao chuỗi này hết sức chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap, tiến đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả trong đầu tư và đem lại hiệu quả cho nông dân”, ông Hồ Tấn Cư cho biết thêm.
Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng để tạo ra sản phẩm làm ra an toàn, liên kết để ổn định đầu vào và đầu ra là hướng đi đúng đắn đối với người trồng vải ở Ea Kar. Nhờ đó, cây vải đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nơi đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Honda chính thức ra mắt ‘vua côn tay’ 250cc mới chất hơn Winner X, trang bị đè bẹp Exciter, giá mềm
"Vua côn tay" giá 30 triệu của Honda sắp về thị trường Việt: Trang bị phanh ABS như SH, hiệu năng ấn tượng, ăn 1,93 lít/100 km
Xe tay ga Honda Việt Nam từng xuất khẩu Nhật có bản mới: Ăn xăng 1,32L/100km, giá quy đổi dưới 40 triệu
Smartphone Oppo cấu hình ‘khủng’, chống nước, pin 6.400 mAh, giá rẻ bất ngờ
Đối thủ của Ford Everest ra mắt: Thiết kế hầm hố, công suất 215 mã lực, giá hơn 1,1 tỷ đồng
5 xe cũ biểu tượng của đại gia tầm giá Camry mua chơi Tết: Có chiếc siêu sang cỡ Rolls-Royce, ngồi cực êm