Kinh doanh và tiêu dùng

‘Vén màn’ sự thật táo đá Hà Giang siêu rẻ

Thị trường Hà Nội gần đây xuất hiện loại táo đá được quảng cáo là đặc sản Hà Giang với màu sắc bắt mắt, quả giòn và ngọt, nhưng giá rất rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg khiến nhiều người dân tò mò mua thử.

Vì sao hàng Việt chưa 'bén duyên' siêu thị? / Nỗi lo nước súc miệng không đảm bảo...

tao-da-Ha-Giang-7912-1604916437.jpg

Hàng loạt loại hoa quả như táo đá được “gắn mác” đặc sản Hà Giang để lừa khách hàng. (Ảnh: Int)

Lâu nay, các chuyên gia, nhà khoa học liên tục đưa ra những cảnh báo về việc trái cây Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, còn trái cây Việt lại “đóng giả” hàng ngoại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị “mắc bẫy” dân buôn.

Táo Trung Quốc “đội lốt” táo đá Hà Giang

Đi vòng quanh các chợ đầu mối, chợ dân sinh tại Hà Nội có thể thấy trái cây Trung Quốc vẫn được bày bán chủ yếu là táo, dâu tây, nho… được gắn mác hàng Việt với các tên gọi như táo đá, táo mi ni, dâu tây Đà Lạt, nho Ninh Thuận,... với giá thành rất rẻ. Đơn cử táo đường, giá bán buôn ở chợ đầu mối chỉ khoảng 18.000 đồng/kg; nho trung bình có giá từ 50.000 đồng/kg.

Đáng lưu ý, vài tuần gần đây, trên chợ mạng xuất hiện dòng táo đá được dân buôn quảng cáo là đặc sản Hà Giang có giá siêu rẻ. Chỉ từ 70.000 đồng là người tiêu dùng có thể mua được 1 thùng táo đá 7 kg. Tính ra, mỗi cân táo chỉ có giá từ 10.000 đồng.

Chị Thanh Huyền, nhân viên văn phòng ở Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị mới đặt mua 3 thùng táo đá với giá 190.000 đồng, nghĩa là chỉ vào 63.000 đồng/thùng/7kg.

 

"Họ cứ nói là táo Hà Giang, rồi Lào Cai nhưng thực chất đều là hàng Trung Quốc hết. Tôi biết nhưng vẫn mua, vì ăn rất giòn và ngọt, trong khi giá chỉ bằng 1/10 so với táo nhập khẩu từ Mỹ, Úc”,chị Giang nói.

Chị Xuân Hương, một tiểu thương chuyên bán hoa quả ở chợ Linh Đàm, Hà Nội tiết lộ, toàn bộ số táo đá mà tiểu thương rao bán hiện nay đa phần là hàng Trung Quốc. Thông thường, để dễ bán, họ sẽ nói là hàng Việt có xuất từ các tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, nếu không sẽ không bán được hàng.

“Hoa quả Trung Quốc giá thành rẻ, mẫu mã đẹp nên tôi vẫn ưu tiên qua chợ đầu mối để lấy hàng và ngày nào cũng bán được gần hết. Một vài khách hàng biết rõ là hoa quả Trung Quốc nhưng họ vẫn mua về để thắp hương hoặc kinh doanh nước ép, trà đào, sinh tố dâu tây…”,chị Hương nói đồng thời cho biết, hiện nay người dân rất chuộng táo đá, mỗi ngày chị bán được khoảng 30-40 kg, còn những đầu mối buôn lớn thì con số có thể gấp rất nhiều lần.

Người tiêu dùng tránh bị lợi dụng

Chị Hồ Thu Giang, một thương lái buôn trái cây ở thị trấn Hà Giang cho biết, chỉ một số hộ dân giáp biên giới Trung Quốc trồng táo đá Hà Giang, nhưng số lượng không nhiều để cung cấp tràn lan ra thị trường. “Đặc thù các tỉnh biên giới là đất đá đến trồng cây ngô còn khó nữa là trồng táo. Vì vậy, hầu hết táo được quảng cáo có xuất xứ từ Hà Giang là hàng Trung Quốc”, người này cho hay.

 

Lãnh đạo Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, hiện nay huyện đang chủ trương trồng cây lê, cây tam giác mạch và hướng tới trồng cây dược liệu. Trong khi đó cây táo đá không phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng này để trồng cây táo.

TS. Nguyễn Mạnh Khải, khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho biết, trước đây Việt Nam có một vài dự án trồng thử nghiệm giống táo đỏ Trung Quốc ở Quản Bạ (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai), tuy nhiên các dự án này đều không thành công.

Những cây táo trồng bị sâu bệnh chết, chỉ còn lại một vài cây với năng suất cực thấp. Nguyên nhân của thất bại này là vì không tập trung chú ý vào các yếu tố đầy đủ để cây phát triển mà mới chỉ quan tâm đến yếu tố nhiệt độ ở vùng núi cao. “Lúc đó tôi lên Hà Giang để làm cho cây táo rụng lá, kích thích trổ hoa, nhưng lên đến nơi thì cây bị sâu bệnh, đã rụng hết lá rồi, sau đó thì cây không phát triển được”, TS. Nguyễn Mạnh Khải cho biết.

Do đó, có thể khẳng định, không có giống táo nào là táo đá Hà Giang, mà nhiều khả năng đây là táo Trung Quốc được vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Tại Hà Giang cũng không có thương hiệu cây ăn trái nào là táo đá. Nếu có thì truyền thông, các nhà khoa học đã loan tin rầm rộ rồi.

Thực tế, táo đá Hà Giang cũng là do dân buôn tự đặt tên cho loại trái cây này nhằm giả danh thương hiệu cho một loại táo có xuất xứ từ Trung Quốc. Và bằng cách đặt tên những người bán hàng đã hô biến chất lượng sản phẩm. Không biết chất lượng sản phẩm ra sao nhưng người tiêu dùng đã bị lừa dối ngay từ đầu.

 

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên tỉnh táo nhận biết sự thật này, tránh tình trạng bị lợi dụng niềm tin về loại thực phẩm sạch mà thực ra lại không biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Có lẽ những người bán hàng cũng không thể khẳng định được nguồn gốc thực sự của giống táo này.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm