Kinh doanh

E-mart rút khỏi Việt Nam, nhượng quyền cho Thaco

DNVN - Thông tin từ The Korea Times cho biết thỏa thuận giữa nhà bán lẻ Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam do chính E-mart tiết lộ trong một bản công bố hôm 17/5. E-mart quyết định bán 100% cổ phần của Công ty Emart Việt Nam cho THACO

SSI đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục 1.870 tỷ, tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng / Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Hoa Kỳ

Thông tin từ The Korea Times cho biết thỏa thuận giữa nhà bán lẻ Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam do chính E-mart tiết lộ trong một bản công bố hôm 17/5. E-mart quyết định bán 100% cổ phần của Công ty Emart Việt Nam cho THACO, một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thị trường trong nước và là doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản của Việt Nam, sau khi gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại đây dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Thông qua thương vụ nói trên, Emart sẽ không còn hoạt động mảng bán lẻ dưới thương hiệu của mình tại Việt Nam. Theo The Korea Times, siêu thị bán hàng hóa với giá rẻ này sẽ được điều hành dưới dạng nhượng quyền thương mại do THACO quản lý và sẽ trả phí bản quyền cho E-mart.

Bản tin cũng cho biết thương vụ này đi cùng kỳ vọng của E-mart là tập đoàn sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ mở được 10 siêu thị E-mart đến năm 2025. "Hợp tác chiến lược của chúng tôi với Thaco không chỉ mang lại tiền bản quyền mà còn tạo cơ hội cho chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm hàng nhãn riêng của chúng tôi", The Korea Times dẫn lời một đại diện của E-mart. Hiện hàng nhãn riêng của nhà bán lẻ này là No Brand rất được đón nhận ở thị trường Việt Nam.

Emart gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2015 và khai trương đại siêu thị đầu tiên tại TP.HCM. Tuy nhiên, Emart đã không thể mở thêm được điểm bán mới, do sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc phê duyệt kế hoạch xây dựng, theo The Korea Times.

E-mart chỉ mở được một siêu thị duy nhất sau 5 năm vào Việt Nam

E-mart chỉ mở được một siêu thị duy nhất sau 5 năm vào Việt Nam.

Trong các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam, E-mart là một trường hợp khác lạ... vì sau 5 năm được đánh giá kinh doanh rất thành công và được người tiêu dùng đón nhận, nhưng nhà đầu tư Hàn Quốc không thể mở thêm được địa điểm mới nào.

Siêu thị E-mart Gò Vấp được đầu tư 60 triệu USD, từ khi mở cửa năm 2015 đến nay luôn đón một lượng khách đông đúc và trở thành điểm mua sắm ưa thích của người dân TP.HCM với những trải nghiệm bán lẻ mới mẻ, hàng hóa chất lượng, giá tốt.

Trên thực tế thông tin E-mart rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam được một tờ báo Hàn Quốc khác đưa tin vào cuối năm ngoái. Cụ thể vào ngày 8/12/2020, tờ The Pulse News đưa tin nhà điều hành chuỗi siêu thị lớn nhất Hàn Quốc E-mart đang rút khỏi Việt Nam, thị trường lớn thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc với nguyên nhân là đối mặt với các rào cản pháp lý.

Khi đó tờ The Pulse News lý giải việc rút khỏi thị trường Việt Nam của E-mart rằng nhà bán lẻ này đã mở siêu thị đầu tiên tại TPHCM vào năm 2015 và đã mua một địa điểm khác tại thành phố này cho lần khai trương thứ hai vào năm 2019. Nhưng dự án đã bị trì hoãn do những trở ngại trong việc cấp phép, làm gián đoạn kế hoạch mở thêm điểm kinh doanh. Trước thông tin này, ngay lập tức, lãnh đạo Emart tại Việt Nam lên tiếng bác bỏ thông tin rút khỏi thị trường Việt Nam của tờ The Pulse News đưa tin. Khi đó, bằng thông cáo báo chí có chữ ký của ông Chun Byung Ki, Tổng giám đốc E-mart Việt Nam, nhà quản lý siêu thị đến từ xứ kim chi này khẳng định thông tin Emart rút khỏi thị trường Việt Nam là không chính xác.

 

Emart mang theo mô hình từ Hàn Quốc sang với hướng đi giá rẻ. Theo các chuyên gia, để giảm giá bán và có giá tốt cạnh tranh trên thị trường, các chuỗi cửa hàng, siêu thị phải đảm bảo số lượng điểm bán lớn để có thể thương lượng với nhà cung cấp. Được biết trong thời gian đầu tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam cách đây 10 năm, E-mart dự định mở điểm bán đầu tiên ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc tìm mặt bằng kinh doanh ở Hà Nội khá khó khăn, trong khi thị trường bán lẻ TPHCM sôi động hơn nên công ty quyết định chuyển hướng vào TPHCM.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm