Kinh doanh

Kinh doanh liêm chính, có trách nhiệm: Điều kiện "sống còn" để doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế

DNVN - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh doanh liêm chính đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, là điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính. Một trong những điều kiện tiên quyết do các nhãn hàng đưa ra cho DN là cam kết kinh doanh có trách nhiệm.

Doanh nghiệp cần tái cấu trúc, tìm phương án đầu tư mới để "hồi sinh" / Ra mắt dịch vụ bảo hiểm cho người nông dân trồng lúa

Chiến lược sống còn
Thông tin được các diễn giả đưa ra tại hội thảo "Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 22/12 tại Hà Nội.
Bà Ruth Turner - Tham tán chính trị và phát triển, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội nhận định, kinh doanh liêm chính là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Các cuộc gặp gỡ vào trao đổi với nhiều DN do phụ nữ lãnh đạo, DN trẻ và lãnh đạo doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy Việt Nam ngày càng quan tâm đến vấn đề liêm chính trong kinh doanh.
Trong bối cảnh thế giới không ngừng thay đổi, được thúc đẩy bởi công nghệ, vai trò của chính sách công bố thông tin, minh bạch và liêm chính của DN ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với những người tìm kiếm một môi trường kinh doanh công bằng và đạo đức hơn. Do đó, các nhà lãnh đạo DN ngày càng nhận ra tầm quan trọng của liêm chính trong kinh doanh nhằm giành được niềm tin và cam kết từ các nhà đầu tư, nhà cung cấp và khách hàng. Đây là chiến lược sống còn đối với các quốc gia nếu muốn tham gia vào thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VCCI).

Ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, với tầm nhìn thúc đẩy cộng đồng DN Việt Nam phát triển bền vững, VCCI hiểu rằng chỉ khi kiến tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, liêm chính, chúng ta mới có thể huy động và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của khối DN tư nhân, tránh thất thoát lãng phí. Từ đó DN có thể đặt niềm tin và tập trung nguồn lực cho sản xuất – kinh doanh, đầu tư dài hạn, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương và quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Trong điều tra PCI 2021 của VCCI, tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức nói chung giảm xuống mức 41,4%, so với mức 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể theo thời gian khi mà tỷ lệ DN dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này chỉ khoảng 4,1%, thấp hơn gấp đôi so với năm 2016 (9,1%).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Huy, không gian cải thiện vẫn còn rất nhiều. Đơn cử, tỷ lệ DN cho biết “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 57,4% trong năm 2021, cao hơn con số 54,1% của năm 2019-2020.
Đánh giá vai trò quan trọng của hoạt động kinh doanh liêm chính, bà Đinh Thị Bích Xuân - Phó Giám đốc SDforB, VCCI chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, kinh doanh liêm chính đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, là điều kiện không thể thiếu để DN tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Việt Nam đã tham gia ký kết thành công 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó các điều khoản về minh bạch, nguồn gốc xuất xứ hay tuân thủ, và thậm chí là kinh doanh có trách nhiệm rất được đề cao và chú trọng. Nhiều DN đã nhận thức rõ rằng nếu muốn nhận được những đơn hàng, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong những điều kiện do các nhãn hàng đưa ra, DN phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tuân thủ, cam kết kinh doanh có trách nhiệm.
"Nếu không đạt được điều này thì DN sẽ mất cơ hội kinh doanh. Có thể nói một trong những điều kiện tiên quyết do các nhãn hàng đưa ra là cam kết kinh doanh có trách nhiệm", bà Đinh Thị Bích Xuân nói.

Bà Đinh Thị Bích Xuân - Phó Giám đốc SDforB (VCCI) đánh giá, kinh doanh liêm chính hiện là tiêu chuẩn toàn cầu.
Gần đây, nhiều động thái mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua xử lý các đại án DN tiếp tay cho tham nhũng và hối lộ. Thực tế cho thấy DN không chỉ là nạn nhân mà còn tiếp tay cho các hoạt động tham nhũng, gây cản trở cho tiến trình phát triển của chính DN, khiến môi trường kinh doanh bị bóp méo, tác động tiêu cực đến các DN khác.
Bên cạnh đó, các DN cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng kinh doanh liêm chính vì nhận thấy sự cần thiết phải kinh doanh có trách nhiệm để phát triển bền vững.
"Đây là lý do khiến chúng tôi khởi xướng thực hiện đề án Mạng lưới DN Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBIN) năm 2021. VBIN là sáng kiến mang tính định hướng DN, do DN dẫn đầu với trọng tâm về kinh doanh liêm chính", bà Đinh Thị Bích Xuân chia sẻ.
Không thể đơn lẻ thúc đẩy kinh doanh liêm chính
Ông Tomas Kvedaras - Chuyên gia dự án Mạng lưới Liêm chính Tư pháp tại ASEAN, Dự án FairBiz, Văn phòng UNDP tại Bankok đánh giá, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thừa nhận những thách thức về liêm chính trong kinh doanh. Đây cũng là một trong số ít các quốc gia mà Chính phủ làm việc với các DN để cải thiện các tiêu chuẩn với kết quả rõ ràng.
Tuy nhiên, theo ông Tomas Kvedaras, không thể đơn lẻ thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh, tính liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện.
"Tính liêm chính được tôn trọng bởi người lao động, chuỗi cung ứng, cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan. Bản thân các DN cần cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan. Các công ty toàn cầu khi quyết định địa điểm đầu tư sẽ xem xét tình trạng tôn trọng ở các quốc gia đối với hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và tuân thủ pháp luật", ông Tomas Kvedaras nói.
Cùng góc nhìn, ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững của VCCI nhấn mạnh, để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, thì sự chủ động, chung tay, hành động tập thể của cộng đồng DN có ý nghĩa quyết định.
"Hành động tập thể giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, tạo ra những tác động có tính lan tỏa cao hơn, giúp thúc đẩy nhanh hơn những thay đổi mang tính hệ thống hướng tới kinh doanh liêm chính, minh bạch. Hãy chung tay, cùng hành động xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các DN tại Việt Nam, vì tương lai và sự phát triển bền vững của chính DN", ông Nguyễn Tiến Huy khuyến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm