Kinh doanh

Phát triển kinh tế tư nhân mới chỉ thiên về số lượng

DNVN - Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam” sáng 28/3 nhận định: Các chủ thể thị trường, đặc biệt kinh tế tư nhân, phát triển nhưng thiên về số lượng, chất lượng phát triển còn hạn chế.

Phó Thủ tướng nhắc lại thông điệp của Chủ tịch nước: Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân / Ấn tượng với cụm từ "trao cơ hội" cho kinh tế tư nhân của Thủ tướng

Những đổi mới nền tảng

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức.

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam”. (Ảnh: Hà Anh).

Đánh giá về những đổi mới nền tảng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam từ khi tiến hành đổi mới đến nay, nghiên cứu của CIEM cho rằng: Qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những đổi mới nền tảng từ đổi mới tư duy, cách nhìn nhận về kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội được định hình ngày càng rõ hơn, ngay trong các chủ trương, định hướng của Đảng.

Bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vận hành. Hệ thống pháp luật kinh tế liên tục được đổi mới phù hợp với quá trình hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế.

“Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường đã dần hình thành, sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân được thừa nhận và ngày càng khẳng định trong nền kinh tế. Quy mô nền kinh tế mở rộng, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển và tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu trong những năm gần đây”, nghiên cứu của CIEM nhấn mạnh.

Thách thức phía trước còn khá lớn

Theo CIEM, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước còn làm thay nhiều việc của thị trường, trong khi chưa thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt chức năng tạo lập và thực thi hiệu quả khung pháp luật.

Hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước cải thiện nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng yêu cầu, cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại và thiếu đồng bộ.

“Các loại thị trường đã hình thành nhưng chậm phát triển, đặc biệt thị trường đất đai. Các chủ thể thị trường, đặc biệt kinh tế tư nhân, phát triển nhưng thiên về số lượng, chất lượng phát triển còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm và có xu hướng phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực FDI. Các vấn đề xã hội, môi trường phát sinh ngày càng nhiều”, CIEM chỉ rõ.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn nhiều thách thức.

Theo CIEM, thách thức phía trước trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn khá lớn, đặc biệt trong xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới, giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vấn đề sở hữu và quyền tài sản, phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai, cải cách doanh nghiệp nhà nước và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và trong các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái.

Để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, cần tiếp tục đổi mới tư duy và định hình rõ hơn về mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, làm rõ các nội hàm cốt yếu và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng XHCN.

Tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, cải cách sở hữu và phát triển các lực lượng sản xuất, đặc biệt kinh tế tư nhân; tập trung phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Cùng với đó là đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tự; và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường và sinh thái.

“Xây dựng và hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là tạo ra một mô hình kinh tế thị trường hoàn toàn mới, mà là sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường như một công cụ để phát triển.

Định hướng XHCN thể hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng để các chủ thể kinh tế thị trường vận động theo hướng đạt được các mục tiêu phát triển, không chỉ mục tiêu kinh tế mà bao hàm các mục tiêu xã hội, môi trường, sinh thái, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn hướng đến thế hệ tương lai”, nghiên cứu của CIEM khuyến nghị.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm