Thị trường

Phó Thủ tướng nhắc lại thông điệp của Chủ tịch nước: Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân

DNVN - Sáng 06/6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhắc lại thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân" khi báo cáo trước Quốc hội một số vấn đề có liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ về những vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn 2 ngày qua.

Nông sản Việt Nam ngày càng có chỗ đứng tại thị trường Nga / Chủ tịch Quốc hội: Việc chậm di dời các cơ sở theo Quyết định 130 là trách nhiệm của các bộ ngành

Thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 6/6, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập đến việc phát triển doanh nghiệp, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân.
Theo Phó Thủ tướng, cùng quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, khu vực, kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của Đại biểu. (Ảnh: VPQH)

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của Đại biểu. (Ảnh: VPQH)

Hiện nay, cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, trong đó hơn 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.
"Chúng ta có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế tham gia mạng xã hội và chuỗi giá trị toàn cầu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhìn nhận: Năng lực hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn bất cập, thủ tục hành chính tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng v.v... còn khó khăn, chi phí vốn logistic, thủ tục hành chính còn cao, tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp.
So sánh với một số nước, Việt Nam hiện nay đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp trong khi đất nước Asean trung bình là 80 - 100 người dân/doanh nghiệp, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10 - 12 người dân/doanh nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng như kinh tế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, phải tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực. Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiên quyết loại trừ tiêu cực tham nhũng vặt gây cản trở khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, thường xuyên đối thoại, kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực toàn cầu. Chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ quản lý, đạo đức kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước đó, hôm 16/5, phát biểu khai mạc tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: "Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa".
Mới đây, bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ rằng: Trước đây, sự kỳ thị khu vực tư nhân rất rõ. Nhưng giờ không còn quan tư tưởng đó nữa. Xã hội đã rất đề cao cộng đồng DN tư nhân.
"Rõ ràng vai trò của DN tư nhân giờ đã thể hiện rõ ràng. Từ DN lớn, các tập đoàn mạnh, rồi tới DN nhỏ và vừa đều tập trung làm ăn. Trong những thành quả đạt được của đất nước, tỷ trọng đóng góp của DN tư nhân ngày càng lớn. Vậy nên giờ người nào còn tư tưởng kỳ thị thì là quá lạc hậu. Tổng Bí thư nói "đừng kỳ vọng kint tế nhân" là có ý nhắc những người còn tư tưởng đó cần phải thay đổi", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh.
Minh Thu (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm