Thị trường

Ấn tượng với cụm từ "trao cơ hội" cho kinh tế tư nhân của Thủ tướng

DNVN - Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, trong số 4 cụm từ khoá được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra để bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân là “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”, bản thân ông ấn tượng nhất với cụm từ “trao cơ hội”.

Siết chặt cho vay bất động sản làm giảm nguồn cung / Gần 800 doanh nghiệp tham gia Vietbuild 2019 lần thứ hai

TS Võ Trí Thành chia sẻ như vậy tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng 18/6 tại Hà Nội.
Theo chuyên gia này, “trao cơ hội ở đây không phải là xin - cho, mà là sự nhìn nhận của Chính phủ với kinh tế tư nhân. Nó là cơ hội sản xuất - kinh doanh mang lại cho tư nhân nhiều hơn và đồng thời phản ánh bản chất của quá trình cải cách, đổi mới ở Việt Nam. Yếu tố khích lệ về lâu dài cũng phải được thực hiện đúng cách, đúng cam kết, phù hợp với kinh tế thị trường.
Đề cập đến kinh tế tư nhân, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN), nhận định, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Hầu hết DN trong nước có qui mô nhỏ, năng lực sản xuất, cạnh tranh trong môi trường toàn cầu còn hạn chế.
Do đó, hoạt động cải cách chính sách để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước cần được thực hiện mạnh mẽ hơn để trở thành động lực chính nhằm tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực để loại bỏ những trở ngại cho DN tư nhân và tăng cường môi trường pháp lý
"Cải cách DN nhà nước cần tập trung vào việc áp dụng thông lệ quốc tế tốt nhất trong quản trị DN, đồng thời thúc đẩy và tăng cường cổ phần hoá và thoái vốn. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào đầu tư công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, chú ý đến khai thác mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Điều này cũng sẽ giúp khu vực tư nhân trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu", ông Hùng nêu.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng theo ông Hùng, trong bối cảnh số hóa, DN cần hướng tới sự phát triển bền vững và tự chủ, không để phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài hay chỉ một nhân tố duy nhất là công nghệ số. Trước những cơ hội và thách thức do nền kinh tế số mang lại, các DN Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, quyết “khai tử” những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Cho rằng chính sách và môi trường kinh doanh ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-startup Việt Nam phát biểu: Có nhiều vấn đề vướng mắc đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đó là khả năng tiếp cận vốn, thủ tục tài chính thuế, đầu tư nước ngoài còn nhiều rào cản và khu vực ngân hàng còn rất chặt chẽ, khó khăn trong việc cấp tín dụng...
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để đổi mới và phát triển doanh nghiệp bền vững, cần thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, cần điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ DN theo hướng thống nhất, có trọng tâm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng; Ban hành Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; Khuyến khích DN ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm