Kinh tế năm 2017 tăng trưởng mọi lĩnh vực
Theo số liệu đã công bố , tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5 triệu tỷ đồng, tương đương với 223 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Tại cuộc họp báo chiều 27/12/2017 của Tổng Cục thống kê, Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 3%, IMF dự báo tăng trưởng 3,6%.“Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện”. Tuy nhiên, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Giá nông sản, thực phẩm, nhất là giá thịt lợn giảm mạnh tác động tiêu cực đến chăn nuôi. Thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hầu hết các khu vực kinh tế đều có đóng góp đáng kể vào tỷ lệ tăng trưởng 6,81% của toàn nền kinh tế năm 2017. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,0%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả tăng trưởng cả nước.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, cao hơn mức 7,06% của năm 2016, song thấp hơn mức tăng 9,39% của năm 2015 chủ yếu do ngành khai khoáng giảm tới 7,1%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng, với mức tăng 14,4% cao nhất trong 7 năm gần đây. Đặc biệt, ngành chế biến chế tạo đã bứt phá mạnh mẽ trong quý III và quý IV với tốc độ tăng 16,63% và 18,30%, cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,70%.
Ở khu vực dịch vụ, mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn như bán buôn và bán lẻ tăng 8,36% so với năm trước. Đây là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung. Tiếp theo là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,98%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14%, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07%.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam đang ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam không nằm ngoài xu hướng thế giới và khu vực, bởi vậy, đây là những yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước; lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Quốc hội đặt ra, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn giảm, tăng trưởng tín dụng cao, nguồn vốn từ kiều hối và FDI dồi dào. Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối tăng; tiến trình tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được ưu tiên thực hiện, môi trường kinh doanh được cải thiện, phong trào khởi nghiệp có bước khởi sắc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo