Thị trường

Kinh tế nổi bật trong tuần: "Tỷ tăng, xăng giảm, dầu mất giá"

(DNVN) - Ngân hàng Nhà nước tăng tiếp tỷ giá thêm 1%, nới biên độ tỷ giá lên +/-3%, giá xăng tiếp tục giảm thêm 768 đồng/lít, giá dầu rớt thảm hại... là những điểm tin kinh tế đáng chú ý trong tuần qua.

Tỷ giá tăng thêm 1%, nới biên độ tỷ giá  từ +/-2% lên +/-3%

 Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%. 

Như vậy, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỷ giá +/-3%, thì tỷ giá trần là 22.547 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.233 VND/USD.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo lý giải của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, việc điều chỉnh tỷ giá là một giải pháp kịp thời nhằm chủ động ứng phó bước đầu với việc đồng Nhân dân tệ (NDT) được điều chỉnh giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua.

Cũng theo bà Hồng, sự kiện phá giá mạnh của đồng Nhân dân tệ đã làm tâm lý thị trường trong nước thêm nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed sẽ sớm điều chỉnh tăng lãi suất USD. Chính vì thế, để tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed tăng lãi suất trong thời gian tới NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng thêm 1% đối với tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tiếp tục nới rộng biên tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD thêm 1%, tăng từ +/-2% lên +/-3%.

Xăng giảm 4 lần liên tiếp

 Từ 15 giờ chiều 19/8, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã điều chỉnh giảm giá xăng, dầu trong nước từ 440 - 770 đồng/lít.

Theo đó, xăng RON 92 giảm 768 đồng/lít; xăng E5 giảm 768 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 441 đồng/lít; dầu hỏa giảm 703 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 736 đồng/kg.

 

Lý giải về việc điều chỉnh trên, liên Bộ cho biết trong chu kỳ 15 ngày gần nhất, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm, do đó, không sử dụng quỹ bình ổn mà giảm giá bán lẻ trong nước.

Như vậy, giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm 4 lần liên tiếp, kể từ đỉnh 20.710 đồng/lít lập hồi tháng 6 và là lần thứ 2 trong tháng 8 này.

Dầu thế giới rớt giá thảm hại

Giá dầu thế giới ngày 21/8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua trong một ngày đầy biến động của thị trường chứng khoán thế giới.

Giá dầu thế giới giao dịch trên sàn dầu thế giới ở New York ngày 21/8 đạt mức 40,11 USD/thùng, giảm gần 25% so với giá dầu hồi đầu năm. Đây cũng là đợt sụt giảm giá dầu lâu nhất kể từ năm 1986. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 giảm 2,1%, đạt mức 40,45 USD/thùng.

 

Còn tại sàn London, giá dầu Brent biển Bắc giảm xuống mức 45,46 USD/thùng. Các chỉ số chứng khoán chính tại các thị trường của Mỹ và châu Âu cũng giảm điểm mạnh khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8.

Các nhà phân tích nhận định, thị trường dầu hiện vẫn trong tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi mức tăng của nhu cầu chậm lại. Chênh lệch cung-cầu này gây áp lực lên giá dầu và hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà sản xuất dầu chủ chốt của thế giới như Mỹ và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cắt giảm sản lượng.

CPI Hà Nội tăng tháng thứ 6 liên tiếp

 Theo Tổng cục thống kê Hà Nội, tháng 8/2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 0,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

CPI Hà Nội tăng tháng thứ 6 liên tiếp.
CPI Hà Nội tháng 8 tăng 0,18% trong khi TP. HCM giảm 0,12%.

 

Đây là tháng thứ 6 liên tiếp CPI Hà Nội tăng. Trước đó, CPI Hà Nội đã tăng 0,18% trong tháng 7, tăng  0,13% trong tháng 6 và 0,12% trong tháng 5. Theo báo cáo tình hình kinh tế - Xã hội tháng 6/2015 của Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 8, có 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng.

Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tháng 8 tăng là do nhu cầu chuẩn bị vào năm học mới nên các công ty, cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm, sách giáo khoa, đồ dùng học tập trở nên tấp nập người mua sắm để chào đón năm học mới cho nhóm hàng giáo dục tăng 2,9% so với tháng trước.

Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số CPI trên địa bàn Thành phố trong tháng 8 giảm 0,12% so với tháng 7. CPI tháng 8 giảm nhẹ là do tác động của 2 đợt giảm giá xăng dầu (ngày 20/7 và ngày 4/8) dẫn tới sự giảm giá của nhóm giao thông - nhóm có mức giảm cao nhất, giảm 2,4% so với tháng trước. Cũng do tác động giảm giá của xăng dầu, giá vé ô tô khách cũng giảm 2,14% so tháng trước.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo