Kinh tế Việt Nam còn lắm “gập ghềnh”
Dự báo mức tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,04-5,35%, nợ xấu, tồn kho bất động sản… vẫn rất khó giải quyết, kinh tế Việt Nam năm 2013 được nhiều chuyên gia đánh giá là còn vô vàn khó khăn, “gập ghềnh”.
Tăng trưởng thấp
Phát biểu tại hội thảo Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2013 do Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)- Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức sáng 27-5, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR khẳng định: Qua năm 2012, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ nhưng cơ sở phục hồi còn mờ nhạt.
Tăng trưởng kinh tế cả năm trước chỉ đạt 5,03%, thấp hơn mục tiêu 5,5% đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81%, thấp nhất trong 3 năm nhưng lại chủ yếu nhờ giá lương thực tăng trở lại, chứ không phải vì sự gia tăng sản xuất, tiêu dùng.
2012 cũng là năm không thành công về thực thi những ý tưởng chính sách đã đề ra. Tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được những tiến bộ đang kể, khi mà các đề án tổng thể cũng như xử lý nợ xấu chưa được thông qua.
Ông Thành nhận định rằng, năm 2013, doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế.
Khi năm 2013 kết thúc cũng là thời điểm đánh dấu một giai đoạn 6 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, mà trong quãng thời gian đó nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 5,8%/năm, so với mức trung bình 7,8%/năm trong giai đoạn 6 năm trước đó (2002-2007).
Đồng thời, lạm phát bình quân hàng năm trong giai đoạn 6 năm trước đó chỉ là 7,35%, còn giai đoạn hiện nay là 11,5%. Rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua những năm tháng mà nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị bỏ lỡ.
Từ các nhận định trên, nhóm nghiên cứu của VEPR đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng 2013. Kịch bản thấp dự báo GDP tăng khoảng 5,04%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 5,35%, đều thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 5,5%. Lạm phát của cả năm 2013 cũng được dự báo trong vùng dự kiến từ 4,95 - 6,64%.
Ưu tiên giải quyết nợ xấu
Trong ngắn và trung hạn, nhóm chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần ưu tiên giải quyết nợ xấu trong hệ thống tài chính và hồi sinh khu vực doanh nghiệp. Các giải pháp xử lý nợ xấu và tái cấu trúc cần được thực thi kếp hợp với giải pháp tái trúc nền kinh tế gồm khu vực doanh nghiệp và khu vực công.
Mục tiêu của chương trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cần được xác định rõ ràng. Đó là xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, thực hiện tốt chức năng trung gian tài chính chi phí xử lý tái cấu trúc thấp. Đối với xử lý nợ, trước hết cần xác định đúng quy mô, mức độ nghiêm trọng và tác động của nợ xấu tới nền kinh tế.
Ngoài ra, cũng cần chú ý tới thị trường bất động sản dưới tác động của các gói giải pháp, và trong bối cảnh suy giảm sức mua chung, cũng như định hướng của chính sách tỷ giá, không chỉ những điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2-3%) mà là một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước.
Theo ông Thành, ngoài tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề dài hạn cũng cần được đặt ra với những bước đi cụ thể ngay từ lúc này, bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của dân chúng và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp Nhà nước trong hoạt động kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, điều cần tập trung nhất hiện nay chính là giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu. Theo ông, nếu giải quyết được vấn đề này sẽ không lo ngại bị rơi vào vòng xoáy liên tục lạm phát hay suy giảm kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng cần phải phân tích mặt trái của những chính sách, đặc biệt là chính sách về ổn định tỷ giá hiện nay để xem có nên tiếp tục duy trì chính sách này hay không. Nếu tiếp tục duy trì thì sẽ điều chỉnh chính sách như thế nào cho phù hợp với thực tiễn...
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo