Kinh tế Việt Nam sẽ “bứt tốc thần kỳ” trong năm 2018
ADB lạc quan với kinh tế Việt Nam
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - nhận định: “Tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Động lực dẫn dắt tăng trưởng là gia tăng xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư đặc biệt là FDI, và ngành nông nghiệp hoạt động mạnh mẽ hơn”.
Trước đó, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 tăng 6,5% - 6,7%. Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh không ít thách thức để cả nền kinh tế đạt được mục tiêu 6,7% kể cả khi quý I/2018, mức GDP tăng cao chạm mốc kỷ lục của 10 năm. Như vậy mức dự báo 7,1% của ADB là rất lạc quan.
“Lạm phát sẽ tăng nhưng không cao, thặng dư cán cân vãng lai sẽ thu hẹp. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng tay nghề của lực lượng lao động trong nước sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam tiếp tục hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài và duy trì tăng trưởng” - đại diện ADB cho biết.
Tăng trưởng mạnh nhờ FDI?
Đại diện ADB cho rằng ngành công nghiệp sẽ duy trì được đà tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động FDI vững chắc. Khu vực đồng Euro và đôla Mỹ tiếp tục mạnh lên sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trong hai năm tới. Ngành xây dựng dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2018 và 2019, nhờ mức cam kết và giải ngân FDI đều đạt kỷ lục trong năm 2017.
Khu vực dịch vụ dự báo sẽ duy trì tăng trưởng trong năm 2018 và 2019, số lượt khách du lịch quốc tế dự báo tăng 15-20% trong năm 2018 và vay vốn ngân hàng tăng 17-18%. Nông nghiệp cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong hai năm tới, trong năm 2018 về cơ bản sẽ đạt chỉ tiêu chính phủ đề ra là 2,8-3,0%.
Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, cho rằng “Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc làm cho Việt Nam rủi ro hơn đối với các căng thẳng chính trị. Biến động trên thị trường tài chính quốc tế gia tăng hoặc luồng vốn gián đoạn sẽ có ảnh hưởng lan toả đáng kể đến thị trường nội địa. Mọi động thái tăng cường bảo hộ thương mại - như triển vọng Mỹ sẽ tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm - sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam”.
Thêm vào đó, việc Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động. Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung.
“Để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này, Việt Nam cần ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề: mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng, và tinh giản quản trị” - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh