Thị trường

“Cục máu đông” trong kinh doanh xăng dầu

(DNVN) - Có ý kiến cho rằng, độ trễ trong việc sửa đổi, bổ sung NĐ 83/CPvề kinh doanh xăng dầu là rất nguy hại, nó được ví như “cục máu đông”, cản trở sức cạnh tranh của doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn chịu áp lực về giá…

Gỡ bỏ “rào cản” trì trệ về kinh doanh xăng dầu / BẢN TIN TÀI CHÍNH - KINH DOANH: Xăng dầu đồng loạt giảm, chính thức tăng lương tối thiểu

Ngày 3/9/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và có hiệu lực từ ngày 1/11/2014 (NĐ 83/CP). Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định này, ngành kinh doanh xăng dầu đã gặt hái được nhiều thành công, thị trường xăng dầu đã khởi sắc.
Cần phải kể đến, NĐ 83/CP đã mở toang thêm 2 loại hình phân phối xăng dầu mới là thương nhân phân phối xăng dầu và thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu. Quy định này đã giúp tăng số lượng thương nhân phân phối đầu mối lên 29 thương nhân và khoảng hơn 120 thương nhân phân phối xăng dầu. Ông Nguyễn Tiến Thỏa (Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam) đã có đánh giá xác đáng về sự tiến bộ của NĐ 83/CP bốn năm về trước, đó là việc nhất quán chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường và cho phép tất cả tất cả các thành phần kinh tế được tham gia kinh doanh xăng dầu, đáng chú ý là đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và phân phối xăng dầu, bước đầu tạo ra được bầu không khí cạnh tranh…
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã chỉ ra sự lỗi thời, hay nói cách khác là đã nhận diện được những “cục máu đông” trong NĐ 83/CP về hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt vềvấn đề quản lý giá. Theo Hiệp hội Xăng dầu VN (VINPA), bản chất của việc trích lập quỹ bình ổn giá là người tiêu dùng đã ứng trước cho quỹ này. Việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó thị trường và hàng nghìn tỷ đồng dư quỹ để riêng không đưa vào kinh doanh là sự lãng phí. NĐ 83/CP quy định: "Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá...”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với quy định này, giá bán lẻ trong nước khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh khó dự báo những yếu tố tác động lên giá dầu như: Kinh tế, chính trị... liên tục diễn biến phức tạp như hiện nay. Đáng chú ý, liên quan đến thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở, VINPA cho rằng thuế này quá phức tạp, không minh bạch và gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Doanh nghiệp VN (doanhnghiepvn.vn) mới đây, ông Phan Thế Ruệ (Chủ tịch VINPA) chỉ rõ hình hài của cái goi là “cục máu đông”: “Khi xây dựng NĐ83/CP, VINPA đã chỉ rõ những quy định chỉ có lợi cho “ông lớn”, lợi ích nhóm. Chẳng hạn, VINPA đề nghị bỏ quỹ bình ổn; đề nghị dự trữ xăng dầu cho 15 ngày thôi nhưng rốt cuộc họ vẫn để là 30 ngày. Và dẫn đến thực tiễn là thời kỳ xuống giá thì càng nhập khẩu càng “chết”, Tập đoàn Xăng dầu có những khi lỗ mấy nghìn tỉ vì xăng dầu xuống giá. Nhưng “ông lớn” thì vẫn cầm cự được, còn DN nhỏ và vừa thì “chết”.

Ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh: "Đề nghị bỏ hẳn NĐ 83/CP và thay bằng một Nghị định mới vì có còn bao cấp nữa đâu”.

Ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh: "Đề nghị bỏ hẳn NĐ 83/CP và thay bằng một Nghị định mới vì có còn bao cấp nữa đâu”.

Các chuyên gia kinh tế nhận xét: Làm gì có thị trường cạnh tranh khi mà Nhà nước quyết định phí, giá…Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, thực tiễn 4 năm thực hiện NĐ 83/CP bộc lộ nhiều bất cập: Tính thị trường còn hạn chế, tính tự chủ về giá của doanh nghiệp chưa cao và giá còn lệch pha với thị trường thế giới;Vai trò can thiệp của Nhà nước còn khá đậm nét trong điều hành giá xăng dầu.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao không cải cách mạnh về quản lý giá bằng cách bãi bỏ các quy định khống chế về tỷ lệ điều chỉnh giá? Tại sao không tính giá hằng ngày nhằm đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát theo giá thị trường thế giới và bãi bỏ các quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, cách tính thuế bình quân và đổi mới quy định về trích lập quỹ bình ổn giá (BOG)...?
Đã đến lúc cần nhận thức rằng, điều hành giá xăng dầu là để hạn chế những tác động bất lợi của giá thế giới và cơn sốt giá tác động vào giá trong nước chứ không phải sử dụng quỹ để triệt tiêu hoàn toàn sự vận động khách quan của thị trường; Giá cả cầnphải được vận động theo quy luật vốn có của nó và theo yêu cầu của quy luật kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa đã nói rất chí lý: “Tôi đã đề nghị sửa NĐ 83/CP cách đây 2 năm rồi, vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình”.Ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh: “Đề nghị bỏ hẳn NĐ 83/CP và thay bằng một Nghị định mới vì có còn bao cấp nữa đâu”.
Suy cho cùng, khi xăng dầu là huyết mạch của nền kinh tế thì cần phải làm tan những “cục máu đông” đó.
Những ý kiến đóng góp của thương nhân kinh doanh xăng dầu, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý về “Cơ chế và điều kiện kinh doanh xăng dầu không phù hợp?” được thể hiện dưới dạng bài viết phân tích, phản ánh, phản biện…sẽ được Ban Biên tập xem xét đăng tải trên Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam (doanhnghiepvn.vn).

Ý kiến của quý độc giả xin được gửi về địa chỉ E-mail của Tạp chí điện tử: bbt.doanhnghiepvn@gmail.com hoặc địa chỉ tòa soạn: Phòng 1005, nhà D, Khách sạn Thể thao, số 15 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. BBT đề nghị tác giả của bài viết ghi rõ họ tên, địa chỉ (E-mail, số điện thoại) để tòa soạn tiện liên hệ.
Đỗ Lê Tảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm