Thị trường

Đắk Lắk: Làm giàu từ nuôi vịt siêu trứng

Với bản tính cần cù, ông Cao Huy Quát, ở buôn M’Liêng 2, xã Đắk Liêng (huyện Lắk) đã vượt khó, vươn lên làm giàu từ chăn nuôi.

'Bắt sóng' số hóa kinh doanh thời Covid-19 / HTX Tân Minh Đức tìm đường đưa cải bắp xuất ngoại

Ông Quát cho biết, trước kia ông từng lập nghiệp với nhiều mô hình trồng trọt như trồng lúa, rau, cà phê, ngô nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2012, có dịp tham quan và nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình nuôi vịt siêu trứng khép kín, ông đã quyết định bán toàn bộ diện tích vườn rẫy trồng ngô đang có để chuyển sang đầu tư chăn nuôi.

Ông Cao Huy Quát cho đàn vịt ăn.
Ông Cao Huy Quát cho đàn vịt ăn.

Ông tìm hiểu kiến thức nuôi vịt qua sách báo, Internet, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do địa phương tổ chức, đồng thời tìm đến nhiều mô hình nuôi vịt siêu trứng hiệu quả ở ngoài tỉnh để tham quan, học hỏi. Sau đó ông bắt đầu xây dựng chuồng trại một cách bài bản: làm máng nước, máng ăn, vùng ao cho vịt tắm... với diện tích rộng khoảng 500 m2 và mua 500 con vịt siêu trứng, loại giống “cao cổ” (giá hiện tại khoảng 100.000 đồng/con) để nuôi thử. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi và đầu tư xây chuồng trại tốt, đàn vịt phát triển khỏe mạnh, đạt tỷ lệ cho trứng theo yêu cầu từ 80 - 85% trở lên, cho lợi nhuận kinh tế cao. Từ hiệu quả đó, ông Quát mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng quy mô trang trại và tiếp tục tăng đàn. Đến nay, gia đình ông đã có đàn vịt gần 10.000 con nuôi trong khu trang trại rộng 6.000 m2, trung bình mỗi ngày xuất ra thị trường trên 7.500 quả trứng. Theo tính toán của ông Quát, với giá trứng 17.000 đồng/chục bán cho thương lái, sau khi trừ hết chi phí ông thu lãi không dưới 2 triệu đồng/ngày, tính ra mỗi năm có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Một hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn M'Liêng 2 được ông Quát chuyển giao nuôi bò.
Một hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn M'Liêng 2 được ông Quát chuyển giao nuôi bò.

Ngoài nuôi vịt, ông Quát còn nuôi thêm bò, dê để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, vào năm 2017, nhận thấy đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn còn nhiều khó khăn, ông đã quyết định chuyển giao hết tất cả 20 con bò, 23 con dê của mình cho những hộ nghèo nuôi (mỗi hộ 3-4 con bò hoặc dê) để họ có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Lợi nhuận khi bán bò, dê, ông chỉ thu một nửa hoặc rất ít. Đến nay ông vẫn còn duy trì cho 4 hộ nuôi.Chia sẻ về kỹ thuật nuôi vịt siêu trứng, ông Quát cho hay đây là giống vịt dễ nuôi, ít mắc bệnh. Người nuôi chỉ cần cho vịt ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi đúng giờ; chú ý tiêm phòng và tiêm nhắc định kỳ cho vịt, nhất là tiêm vắc xin cúm gia cầm và sát trùng chuồng trại thường xuyên. Phải theo dõi hằng ngày sức ăn của đàn vịt, nếu thấy vịt có dấu hiệu lơ ăn, nghi bệnh, phải cách ly ngay và mời cán bộ thú y đến kiểm tra xử lý, điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan. Ngoài ra, chuồng trại cũng nên đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Liêng Phạm Văn Trí, ông Quát là người chịu khó, ham học hỏi. Mô hình nuôi vịt siêu trứng khép kín của gia đình ông đã chứng minh được tính hiệu quả. Địa phương rất quan tâm, khuyến khích những mô hình kinh tế trang trại như thế để giúp người dân nâng cao thu nhập. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Quát còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ bà con trong vùng về vốn, kỹ thuật chăn nuôi vịt, giúp nhiều hộ có thêm điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên cải thiện cuộc sống.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm