Thị trường

"Mạnh tay" quản lý thuế thương mại điện tử

5 tháng đầu năm, ngành thuế cả nước thu được 50.000 tỷ đồng qua thương mại điện tử, bằng 51% so với cả năm 2023. Thu thuế từ 96 nhà cung cấp nước ngoài 15.600 tỷ đồng.

Anh tham gia CPTPP: Cơ hội mở rộng thị trường, nâng tầm vị thế Việt Nam / Tỷ trọng hàng hoá Việt Nam ở các thị trường lớn có chiều hướng tăng

Mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng Chính Phủ giao cho Bộ Tài chính, trong Nghị quyết 93 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chống thất thu thuế qua thương mại điện tử cũng là nhiệm vụ mà ngành thuế đang nỗ lực đẩy mạnh trong thời gian qua và đã có sự khởi sắc. Nếu như cách đây vài năm thì chúng ta luôn nhắc đến "thất thu thuế từ thương mại điện tử", người bán hàng online không có khái niệm phải đóng thuế, thì nay mọi việc đã dần thay đổi. Nhất là từ khi có Đề án 06 về dữ liệu dân cư, và Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Từ cuối năm 2022 đã có quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải cung cấp thông tin người bán cho cơ quan thuế. Chỉ thị 18 yêu cầu các Bộ ngành phải chia sẻ thông tin cho cơ quan thuế. Vì vậy, năm 2022 và 2023 ngành thuế đã thu được 180 nghìn tỷ đồng từ thương mại điện tử. Không chỉ ở các thành phố lớn, giờ đây việc quản lý thuế với thương mại điện tử cũng được các địa phương quan tâm.

Chị Dương có cửa hàng kinh doanh truyền thống, nhưng doanh thu chính lại đến từ gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Cứ tưởng chỉ mình biết phần doanh thu này, thế mà cơ quan thuế lại biết và liên hệ để động viên chị kê khai, đóng thuế.

"Tôi có đóng thuế khoán ở cửa hàng, khi kinh doanh online cũng chỉ biết cần phải đóng thuế, tuy nhiên không rõ ràng hình thức đóng thuế lắm. Sau khi được cán bộ thuế liên hệ, hướng dẫn kê khai đóng thuế thì chúng tôi có ý thức hơn về việc đóng thuế khi kinh doanh online. Khi tôi kê khai nộp thuế thì cũng bị chậm hơn 1 năm rồi và tôi có phải đóng 1 khoản phạt", chị Nguyễn Thùy Dương, Hộ kinh doanh trên thương mại điện tử tại TP Bắc Ninh chia sẻ.

Nếu chúng ta kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử thì định kỳ hàng quý các sàn thương mại điện tử sẽ gửi doanh thu của chúng ta về cho ngành thuế để rà soát và thu thuế. Còn chúng ta kinh doanh trên các nền tảng khác thì sao? Cơ quan thuế vẫn có cách để thu. Ví dụ kinh doanh trên Facebook, thì chỉ cần có số điện thoại, là cơ quan thuế đã có thể định danh bạn và tiến hành thu thuế rồi.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Nếu chỉ nắm bắt được số điện thoại thì chúng tôi sẽ phối hợp với các nhà mạng để xác định định danh chủ sở hữu thuê bao đó, để chúng tôi đấu tranh, yêu cầu đăng ký kê khai nộp thuế".

Từ số điện thoại, tài khoản ngân hàng, hay căn cước công dân, mã số thuế. Chỉ cần có 1 vài thông tin từ người kinh doanh online là cơ quan thuế đã có thể tiến hành phân tích, phối hợp với các ban ngành để có thể định danh được người bán và rà soát. Vì thế, người bán giờ cũng chẳng thể "ẩn danh" được nữa, vì có giấu thì trước sau cũng sẽ bị tìm ra. Nhiều người đã chủ động đi kê khai, nộp thuế.

"Tôi thấy tất cả thông tin bán hàng trên sàn thương mại điện tử họ đều liên kết với cán bộ thuế, tất cả thông tin mình bán ra về doanh thu, số lượng, đều được gửi về cho chi cục thuế rất chặt chẽ, nên tôi nghĩ việc đóng thuế là cần thiết", anh Phạm Văn Tuấn Anh, Chủ thương hiệu An Café tại Bắc Ninh cho hay.

5 tháng đầu năm nay, số thu từ thương mại điện tử tại tỉnh Bắc Ninh đã đạt gần 13 tỷ đồng, cao gấp hơn 9 lần so với cả năm 2021.

Nhiều giải pháp quản lý thuế với thương mại điện tử

Mạnh tay quản lý thuế thương mại điện tử - Ảnh 1.

Phối hợp liên Bộ để quản lý chống thất thu thuế kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.

5 tháng đầu năm nay, toàn ngành thuế cả nước cũng đã thu được 50.000 tỷ đồng qua thương mại điện tử, bằng 51% so với cả năm 2023.

Thu thuế từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng khởi sắc, khi hiện nay có tới 96 nhà cung cấp nước ngoài và nộp được 15.600 tỷ đồng.

Những con số cho thấy hiệu quả bước đầu từ các giải pháp mà Chính phủ, các Bộ ngành đã cùng chung tay để quản lý. Mặc dù vậy, trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận vẫn còn 1 tỷ lệ nhất định thất thu thuế qua thương mại điện tử. Song Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài chính đều khẳng định đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng để quản lý thuế thương mại điện tử một cách chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngoài việc chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử cho ngành thuế, thì tới đây Bộ cũng sẽ tham mưu với Chính phủ để bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng cho hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: "Qua theo dõi thì tôi thấy có 4 sàn lớn mà nước ngoài đang khai thác ở chúng ta thì mỗi 1 tháng cũng có khoảng trên dưới 1 tỷ USD với hàng nhập khẩu, điều đó đồng nghĩa cũng có lượng thuế bị thất thoát ở chỗ này nếu như chúng ta không điều chỉnh quy định hiện hành".

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay đang phối hợp với Bộ Công an để định danh điện tử người bán hàng online, tiến hành rà soát dữ liệu từ các Bộ ngành đã chia sẻ.

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử cũng như đối với giao dịch bằng gói điện tử, trọng tâm tập trung tại TP Hồ Chí Minh và tại Hà Nội. Chúng tôi đã có công văn đề nghị các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế và hỗ trợ để thực hiện".

Cũng có ý kiến của đại biểu quốc hội cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến phải có trách nhiệm khấu trừ thuế trên doanh thu cho người bán.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho hay: "Những sàn thương mại điện tử khi mà có hoạt động về hàng hóa dịch vụ giao dịch trực tiếp trên sàn đó, và có doanh thu, có quản lý được người bán thì phải khấu trừ ngay thuế, chứ không phải lại để cho người bán đi kê khai nữa".

Thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp kê khai nộp thuế như hiện nay, thì việc các sàn thương mại điện tử khấu trừ nộp thuế thay người bán sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho cả xã hội.

 

Các chuyên gia cho rằng việc để người bán tự giác đi kê khai chẳng khác nào việc "thả gà ra đuổi" vì không phải ai cũng nhớ và tự giác. Nhưng nếu các sàn thương mại điện tử trích nộp thuế ngay từ doanh thu của người bán, thì sẽ nhanh, chính xác, đầy đủ hơn. Đây cũng là tinh thần trong Nghị quyết 93 của Chính phủ là đảm bảo thu thuế đúng, đủ, và kịp thời.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm