Chuyển đổi xanh: Cơ hội nhiều hơn thách thức nếu có bước đi phù hợp
Bắc Giang nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP bằng nhiều giải pháp / Doanh nghiệp Việt mở trung tâm xử lý dữ liệu AI tại Thái Lan
Tại hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh – Lý luận và thực tiễn” diễn ra tại Nam Định ngày 26/6, PGS, TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, chuyển đổi kinh tế xanh đang là một xu thế tất yếu cho sự phát triển. Việc từng bước xanh hóa sản xuất đồng thời áp dụng chuyển đổi số trong nền kinh tế đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh, cơ hội để xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế bền vững và hiệu quả nhất.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài của nền kinh tế. Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, định hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng phát triển kinh tế xanh, từ năm 2021 đến nay, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh và đã đạt được những kết quả bước đầu, có tác dụng tích cực đối với tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Ở góc độ địa phương, ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, nhấn mạnh, tỉnh luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải tại các khu, cụm công nghiệp. Nam Định hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, xanh, bền vững, đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, thực tế phát triển kinh tế xanh hiện nay còn gặp nhiều rào cản. Hiện các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao.
Bên cạnh đó, vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu. Công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.
Các ngành sản xuất năng lượng sạch như: gió, mặt trời... phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo PGS,TS Vũ Trọng Lâm, nhận thức được khó khăn và thách thức, chúng ta xác định đây cũng là cơ hội để nắm lấy và đưa ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế xanh như: nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Phát triển nông lâm nghiệp hiện đại, xanh sạch, hữu cơ bền vững. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ xanh, hạn chế các ngành kinh tế phát thải lớn, gây ô nhiễm môi trường. Phát triển kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng xanh, thông minh và bền vững…
Tại hội thảo, các diễn giả có chung nhận định, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là yêu cầu thực tiễn và ngày càng trở thành xu thế tất yếu của các nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, cơ hội dành cho Việt Nam sẽ nhiều hơn thách thức nếu chúng ta vạch ra được bước đi, lộ trình phù hợp, cụ thể và tranh thủ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác bên ngoài về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, công nghệ, quản trị.
Ông Lê Quốc Minh cho biết, những ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau với sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và lý luận khoa học, những ý kiến trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng sẽ góp phần quan trọng làm nên thành công của hội thảo, là những chất liệu quý báu đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo