'Soi' kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của 4 ông lớn ngân hàng
DNVN - Kết thúc 9 tháng năm 2019, sự cách biệt ở một số khía cạnh giữa Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank ngày càng lớn.
Agribank tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng thông qua tổ vay vốn / Các "ông lớn" Agribank, MobiFone, VNPT phải cổ phần xong trong năm 2020
Tuy các ngân hàng tư nhân đang lớn lên rất nhanh nhưng nhóm 4 NHTM nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank vẫn luôn có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Những năm về trước, Agribank được xem như "anh cả" trong hệ thống. Tuy nhiên với việc sớm cổ phần hóa, 3 ngân hàng còn lại là BIDV, VietinBank, Vietcombank đã bứt tốc rất nhanh. Dù quy mô vẫn là người đứng đầu nhưng về kết quả kinh doanh thì Agribank đang phải cạnh tranh gay gắt.
9 tháng năm 2019, 4 "ông lớn" ngân hàng ra sao?
Quy mô tài sản vượt 1 triệu tỷ
Tổng tài sản hiện nay của cả 4 ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank đều đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản của 4 nhà băng chiếm tới 43% hệ thống tổ chức tín dụng cho thấy sức ảnh hưởng rất lớn của nhóm ngân hàng này.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng; Agribank đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng; Vietinbank đạt 1,2 triệu tỷ đồng; Vietcombank hơn 1,15 triệu tỷ đồng.
Trong 4 ngân hàng, Agribank đang có dư nợ cho vay và huy động tiền gửi khách hàng lớn nhất, đều đã vượt trên 1 triệu tỷ đồng. Theo sau lần lượt là BIDV, VietinBank, Vietcombank.
So với 3 ngân hàng còn lại, Vietcombank là ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất, cho thấy được lợi thế về nguồn vốn giá rẻ của nhà băng này – một trong những yếu tố giúp cải thiện biên lợi nhuận.
"Quán quân" nợ xấu
Tại ngày 30/9, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Đáng chú ý, trong khi nợ nhóm 3 và nợ nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn của BIDV tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9.
Với Vietcombank, 9 tháng đầu năm nợ nhóm 3 tăng 23% so với đầu năm, lên mức 843 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 lại giảm 44% so với đầu năm. Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng vọt 136% khi chiếm 4.578 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng 20% so với đầu năm, ở mức 7.424 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,18%, tăng so mức 1,14% của đầu kỳ.
Tại Vietinbank, nợ xấu nội bảng tại ngày 30/9 là 14.066 tỷ đồng, tăng 2,7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 1,58% xuống 1,56%. Riêng Agribank, hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý 3.
Có thể thấy, 9 tháng năm nay, tỷ lệ nợ xấu của BIDV, Vietcombank đều tăng. Chỉ riêng Vietinbank giảm xuống còn 1,56%. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của BIDV cao nhất với 2,09%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank thấp nhất, dưới 1,18%
Vốn giá rẻ của 4 ngân hàng sụt giảm
Tính đến cuối tháng 9, quy mô tiền gửi thanh toán của Kho Bạc nhà nước (KBNN) tại Vietcombank giảm từ mức gần 87.096 tỷ đồng vào cuối năm 2018 xuống còn hơn 74.582 tỷ đồng.
Tại BIDV, tiền gửi không kì hạn của KBNN giảm mạnh từ 19.432 tỷ đồng xuống còn 5.298 tỷ đồng trong khi tiền gửi có kì hạn lại tăng từ 51.000 tỷ đồng lên 63.250 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm.
Khoản tiền gửi (không rõ kì hạn) của Bộ Tài chính tại BIDV cũng giảm mạnh từ 24.163 tỷ đồng xuống còn hơn 15.662 tỷ đồng.
Đối với Vietinbank, vào cuối tháng 9 ghi nhận tăng trưởng 19% tiền gửi KBNN, tăng khoảng 11.500 tỷ đồng. Vietinbank không công bố thông tin chi tiết số dư tiền gửi theo kì hạn nên không rõ việc chuyển dịch giữa tiền gửi không kì hạn và có kì hạn tại đây.
Riêng Agribank, hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 3. Theo số liệu bán niên, lượng tiền gửi của KBNN tại đây cũng đã giảm từ 48.739 tỷ đồng tại cuối năm 2018 xuống còn 45.182 tỷ đồng vào ngày 30/6.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo