'Vắng bóng' bầu Kiên, VietBank giờ thay đổi như thế nào?
Hơn 12 năm thành lập, hiện ai đang sở hữu Vietbank?
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - Mã: VBB) được thành lập vào tháng 12/2006 tại TP. Sóc Trăng với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Công ty Đầu tư & Phát triển Hoa Lâm (ông Dương Ngọc Hòa, chồng bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Lâm – giữ chức Chủ tịch HĐQT VietBank) và Công ty TNHH XD TM Diệu Hiền của đại gia thủy sản đình đám cùng tên.
Nhóm Ngân hàng ACB được biết đến là ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) – nguyên Phó Chủ tịch ngân hàng ACB và vợ Đặng Ngọc Lan – nguyên Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, năm 2012 bầu Kiên bị bắt. Khoảng thời gian sau, gia đình bầu Kiên cũng chính thức lần lượt “dứt tình” với Vietbank khi đã hoàn tất bán hết cổ phần còn lại vào tháng 1/2019.
Trong thời gian này, bố mẹ ruột của bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) đã bán tổng cộng hơn 6,5 triệu cổ phần Vietbank. Sau khi giao dịch, bố mẹ bà Lan cũng còn sở hữu 1 triệu cổ phần, tương đương 0.244% vốn điều lệ tại Vietbank.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 18/01/2019, cổ đông Vietbank đã chính thức thông qua đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT của bà Đặng Ngọc Lan. Tuy rời khỏi HĐQT ngân hàng, bà Lan vẫn còn nắm giữ gần 15 triệu cổ phần, tương đương 4,6% vốn điều lệ.
Còn công ty Diệu Hiền của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền lại đang lâm vào cảnh nợ như "chúa chổm" vào những năm 2012.
Ngược lại với động thái rút lui của nhóm bầu Kiên, Gia đình ông Dương Ngọc Hòa - Chủ tịch Vietbank (hay nhóm cổ đông Tập đoàn Hoa Lâm) vẫn giữ nguyên sở hữu. Thậm chí có thêm người liên quan mua vào cổ phần trong các đợt tăng vốn của ngân hàng.
Dựa vào bản cáo bạch lên sàn được công bố tháng 7/2019, ông Hòa sở hữu hơn 19 triệu cổ phần Vietbank, tương ứng tỷ lệ 4.552% vốn. Con trai ông Hòa là Dương Nhất Nguyên hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 3,055% vốn.
Ngoài ra, vợ cùng hai con gái của ông Hòa đều nắm giữ một lượng cổ phần trong khoảng từ 1,7-2,1% tại VietBank.
Tính đến ngày 30/6/2019, VietBank không còn ghi nhận sự xuất hiện của các cổ đông lớn. Trong số 271 cổ đông nắm giữ cổ phần, có 8 cổ đông là tổ chức trong nước, nắm giữ 31,34% vốn điều lệ. Đáng chú là nhà băng này đã không còn sự xuất hiện của cổ đông lớn
Vietbank thay đổi ra sao sau đại án bầu Kiên?
Sau hơn 1 thập kỷ thành lập, những tưởng với sự hậu thuẫn của ngân hàng ACB cùng với tiềm lực khủng của các đại gia, VietBank sẽ nhanh chóng trở thành nhà băng có tên tuổi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều người không biết đến thương hiệu VietBank, vốn điều lệ của ngân hàng cũng chỉ nhỉnh hơn vốn pháp lệnh và thuộc top những ngân hàng bé nhất hiện nay.
Tại VietBank, giai đoạn 2007-2011 được coi là thời kỳ phát triển mạnh nhất. Thời gian này, ngân hàng này liên tục mở rộng mạng lưới ra các thành phố lớn. Năm 2010 đã tiến hành tăng vốn gấp đôi từ 1.632 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2012 khi sự việc của bầu Kiên bị phơi bày, hoạt động kinh doanh của Vietbank cũng lao dốc theo. VietBank ghi nhận lãi ròng năm 2012 đạt gần 17 tỷ đồng, chỉ bằng 5% so với con số 364 tỷ đồng của năm 2011. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 238 tỷ đồng.
Những năm 2012 -2015 là lúc đỉnh điểm của vụ án liên quan đến bầu Kiên nên kết quả kinh doanh của VietBank đều được giữ kín. Trong năm 2012, ngân hàng giảm số lượng nhân viên từ 1,363 người xuống còn 1,277 nhân viên.
Đến năm 2016, BCTC của VietBank mới được công bố nên đã "phác họa" phần nào kết quả kinh doanh năm 2015 của nhà băng này. Cụ thể, Vietbank chịu lỗ hơn 126 tỷ đồng. Điều này cho thấy khả năng rất lớn trong 2 năm 2013 và 2014, Vietbank cũng thua lỗ không kém.
Từ năm 2016, hoạt động kinh doanh của Vietbank có sự tăng trưởng đáng kể. Nhưng vẫn thấp hơn mức mà Vietbank đã từng đạt được trước khi sự việc bầu Kiên bị phơi bày.
Xét về nợ xấu, tại thời điểm cuối năm 2012, Vietbank ghi nhận nợ xấu đã giảm từ 465 tỷ đồng xuống còn 213 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2016 Vietbank không công bố thuyết minh BCTC kiểm toán nên không có thông tin về nợ xấu.
Mãi đến năm 2017, tổng nợ xấu của nhà băng này giảm từ gần 446 tỷ đồng xuống còn hơn 387 tỷ đồng.Thế nhưng, bước sang năm 2018, nợ xấu của VietBank đã tăng 15% so với năm 2017, đạt 444 tỷ đồng. Đáng nói nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn phải trích dự phòng rủi ro 100%) tăng mạnh từ 285,5 tỷ đồng lên 368,6 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2019, nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 481 tỷ, tăng 38 tỷ so với cuối năm 2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm 52% và 19%, xuống còn 9,6 tỷ đồng và hơn 133 tỷ đồng.
Năng lực tài chính chưa đủ mạnh, mạng lưới hạn chế và số lượng lao động thấp nhưng VietBank khá quyết tâm khi quyết định đánh dấu lối đi mới cho mình bằng việc trở thành ngân hàng đầu tiên trong năm 2019 đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 30/7 vừa qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao