10 năm thị trường trái phiếu Chính phủ: Những kết quả nổi bật
DNVN - Sau 10 năm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2009, thị trường trái phiếu Chính Phủ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển; thị trường TPCP đã và đang đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường TP, sản phẩm TPCP là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho các loại hình NĐT.
Yêu cầu kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp / Nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu để huy động vốn
Tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hôm 10/12, lãnh đạo Vụ Tài chính ngân hàng cho biết: Trong 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, các thành viên của thị trường trái phiếu, cùng với sự phối hợp của các Bộ, ngành, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế, thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đã đạt được 6 kết quả nổi bật sau:
Thứ nhất, khung pháp lý cho hoạt động của thị trường TPCP liên tục được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường theo thông lệ quốc tế. Theo đó trong 10 năm qua, 2 thế hệ chính sách để phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ đã được ban hành để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của thị trường sơ cấp, thứ cấp TPCP. Sau khi Luật quản lý nợ công năm 2017 được ban hành, toàn bộ văn bản pháp lý hướng dẫn về hoạt động phát hành, giao dịch TPCP đã tiếp tục được cải tiến để phát triển thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp TPCP.
Thứ hai, thị trường TPCP đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho NSNN, gắn công tác phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ Chính phủ thông qua việc tập trung phát hành các kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Việc tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài với chi phí huy động vốn hợp lý đã tạo điều kiện cho Chính phủ tăng khả năng vay nợ tại thị trường trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, góp phần giảm rủi ro của danh mục nợ công.
Thứ ba, sản phẩm hàng hoá trên thị trường được phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và yêu cầu huy động vốn cho NSNN. Từ năm 2015, Kho bạc Nhà nước bắt đầu phát hành trái phiếu theo lô lớn, nâng cao chất lượng hàng hóa TPCP trên thị trường tài chính. Số lượng mã trái phiếu đã giảm từ mức khoảng 300 mã năm 2009 xuống còn 170 mã năm 2019, quy mô bình quân của các mã tăng khoảng 9 lần lên khoảng gần 6.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên hiện nay đạt khoảng gần 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 24 lần so với giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2009. Sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ bắt đầu hoạt động từ tháng 7 năm 2019 bổ sung thêm cho nhà đầu tư một công cụ phòng vệ rủi ro.
Thứ tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPCP đã được cải thiện theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại, tăng tỷ lệ nắm giữ của các tổ chức bảo hiểm và các tổ chức khác. Hệ thống nhà tạo lập thị trường được phát triển từ các thành viên đấu thầu đã từng bước đóng vai trò tạo thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp TPCP.
Thứ năm, hoàn thiện hạ tầng cơ sở và các định chế trung gian để phát triển thị trường. Theo đó đã xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, kết nối giữa thành viên đấu thầu và cơ quan quản lý để tổ chức hoạt động đấu thầu phát hành, giao dịch TPCP; hệ thống thanh toán đảm bảo việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu đến hạn; từ năm 2017, hoạt động thanh toán TPCP đã được thực hiện qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thứ sáu, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, việc đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước với thành viên thị trường đã được thiết lập, đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý và phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp TPCP .
Trong các năm tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn 2021-2025, chủ trương của Chính phủ là phát huy nội lực, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường TPCP để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; TPCP trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao cho các NHTM, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.
Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục thực hiện Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1191 ngày 14/8/2017; Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Cột tin quảng cáo