Các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp
DNVN - Đây là một trong những yêu cầu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước gửi các ngân hàng thương mại sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo số 249/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trồng dưa trái vụ, nông dân Cẩm Lạc thu lãi hơn 10 triệu đồng/sào / Đề xuất quản lý hoạt động thương mại điện tử với hàng hóa xuất, nhập khẩu
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng trong các tháng đầu năm 2019 cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn rủi ro, khi một số ngân hàng có số dư đầu tư TPDN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Đặc biệt, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một số ngân hàng tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
Ảnh minh họa.
Trước thực trạng này và để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua TPDN, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các các ngân hàng thương mại phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua TPDN như quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua TPDN, nguyên tắc, chỉ tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu… phù hợp với đặc điểm kinh doanh của ngân hàng và theo đúng quy định tại Thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN và các quy định của pháp luật về giới hạn, hạn chế đảm bảo an toàn…
Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: Các ngân hàng thương mại không được mua TPDN; trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành. Các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại phải tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay; trong đó, đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên theo dõi, đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.
Các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư TPDN; tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; nâng cao hiệu quả kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
"Tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan", văn bản nêu.
Các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư TPDN thì sẽ bị Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 249/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ liên quan đến việc phát hành TPDN.
Cụ thể, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại việc phát hành TPDN theo Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN, đề xuất các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh của nghị định này, báo cáo Thủ tướng xem xét.
Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã lưu ý rằng gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhất là DN khối BĐS phát hành với lãi suất cao, lên đến 14%.
Do vậy, Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý cần rà soát, kiểm tra có dấu hiệu bất thường hay không, việc phát hành với lãi suất cao như vậy có tác động tiêu cực đến thị trường lãi suất, áp lực cho hệ thống ngân hàng hay không.
Phó Thủ tướng cho rằng nếu không kiểm soát tốt việc phát hành TPDN (với lãi suất huy động quá cao - PV) sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô.
Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành TPDN là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018, trong đó, ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%), lượng phát hành của công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp khác.
Lãi suất TPDN bình quân là 9,5%-11%/năm. Nhìn tổng thể là bằng và cao hơn khoảng 0,5% so với mức cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại. Quy mô thị trường TPDN tới hết tháng 6/2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo