10 tháng 2019: Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 738 triệu USD
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 10/2019 ước đạt 151 nghìn tấn với giá trị đạt 63 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu sắn lát 10 tháng đầu năm 2019 đạt 270 nghìn tấn, tương đương 59 triệu USD, giảm 57,6% về lượng và 57,8% về giá trị so với cùng kì năm trước. Xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,61 triệu tấn, tương đương 680 triệu USD, tăng 18% về lượng và 5% về giá trị so với cùng kì năm trước.
Về thị trường, 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc, Đài Loan, Philippines suy giảm cả về lượng và giá trị. Duy chỉ có thị trường Hàn Quốc là tăng nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam với mức tăng 7,9% về lượng và 8,1% về giá trị. Trung Quốc vẫn tiếp tục là nhập khẩu chính, chiếm tới 88,2% giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn. Tuy nhiên xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng suy giảm do gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Lào, Campuchia. Ngoài ra, tồn kho tại Thanh Đảo và Hà Bắc (Trung Quốc) còn nhiều và tốc độ tiêu thụ hàng hóa đang chững lại.
Sản lượng xuất khẩu sắn 9 tháng đầu năm 2019 sang thị trường Trung Quốc đạt 1,52 triệu tấn tương đương 595,2 triệu USD, giảm 4,6% về khối lượng và giảm 1,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 10 tháng đầu năm đạt 422 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kì năm trước.
Hiện tại, hầu hết nhà máy chế biến sắn trên cả nước đã chạy máy vụ 2019 - 2020, ngoại trừ một số tỉnh phía Bắc. Do đó, nguồn cung sản phẩm từ sắn tăng mạnh, trong khi nhu cầu mua hàng từ phía Trung Quốc tăng không đáng kể nên sẽ không có tác động đến giá tinh bột sắn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nguồn sắn lát vụ mới chưa có nên các giao dịch hiện nay chủ yếu là hàng vụ cũ. Tồn kho thấp dẫn đến giá bán ra vẫn được duy trì khá cao cho dù nhu cầu từ các nhà máy Trung Quốc chưa có tín hiệu tăng. Dự báo từ nay tới cuối năm xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sẽ duy trì ở mức ổn định như hiện tại bởi thiếu các yếu tố hỗ trợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo