16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay
Tương lai của việc làm: Trở lại văn phòng / Xuất nhập khẩu dự kiến vượt 700 tỷ USD
Trần lãi suất huy động của tất cả các ngân hàng thương mại sẽ không vượt quá 9,5%/năm vàlãi suất cho vaysẽ giảm từ 0,5 - 2%/năm. Đây là những cam kết được Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam công bố hôm nay (15/12) sau khi họp bàn với các ngân hàng thành viên.
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng với các ngân hàng thương mại sáng nay, một thông điệp quan trọng đã được thống nhất đưa ra, đó là không để lãi suất huy động vượt quá 9,5%/năm, kể cả khuyến mại. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm trong thời gian tới. Điều này nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng chạy đua lãi suất đang nhen nhóm ở một số ngân hàng thương mại.
"Hiện nay có 16 tổ chức tín dụng đăng ký, cam kết giảm lãi suất cho vay và cá biệt có đơn vị giảm lãi suất cho vay tới 3,5%/năm. Tôi cho rằng đây là sự cố gắng, quyết tâm của các tổ chức tín dụng, tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Trần lãi suất huy động của tất cả các ngân hàng thương mại sẽ không vượt quá 9,5%/năm và lãi suất cho vay sẽ giảm từ 0,5 - 2%/năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ sẵn sàng hỗ trợ và đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Tất cả cho thấy, ngành ngân hàng đang nỗ lực để kiềm chế đà tăng của lãi suất, mặc dù áp lực từ kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang rất lớn.
Còn tại Hội nghị Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức đã không chỉ tập trung tháo gỡ những vướng mắc của các doanh nghiệp trong vùng, mà đây còn là thông điệp cho thấy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tìm mọi biện pháp để tập trung nguồn vốn phục vụ hoạt động thu mua, tiêu thụ, chế biến, và xuất khẩu nông sản.
"Chúng tôi đã chỉ đạo và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và rất trách nhiệm của ngành ngân hàng với khu vực ĐBSCL, đặc biệt là có nguồn vốn giúp bà con nông dân trong vấn đề thu hoạch, tạm trữ, chế biến, xuất khẩu. Đây đều là những vấn đề quan trọng trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ của người nông dân cũng như của doanh nghiệp", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định.
Hưởng ứng sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã cam kết rót hàng nghìn tỷ đồng cho ĐBSCL. Chẳng hạn, từ nay đến Tết Nguyên đán, Vietinbank cam kết dành 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo