Thách thức cạnh tranh với cà phê Việt
Nhiều khoản thu ngân sách nhà nước vượt dự toán / Đề xuất bỏ 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Niên vụ 2021 - 2022, sản lượng xuất khẩucà phêcủa nước ta đạt trên 1,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 3,9 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay cho thấy mặt hàng cà phê có đóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm nay.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô, mở ra triển vọng tính cực cho ngành cà phê. Tuy nhiên cùng với đó vẫn có những thách thức để cà phê Việt có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Một trong những thách thức được chỉ ra là Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê. Rào cản này là vô cùng lớn, nhưng cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam thay đổi phương thức sản xuất, thích ứng và phát triển.
Chế biến cà phê xuất khẩu tại Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
"Cà phê chất lượng cao là cà phê được thay đổi từ sản xuất vô cơ sang hữu cơ và từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch. Đó là một trong những chủ đề của ngành cà phê liên quan tới chất lượng và giá trị", ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, nhận định.
Để nâng cao giá trị cà phê cho nhà sản xuất, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng cà phê, cần đẩy mạnh các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest… với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới.
"Năm 2020, khu vực Tây Nguyên mở rộng ra khoảng 110.000 ha, tác động đến khoảng 80.000 nông dân và 300.000 ha đất rừng. Để đảm bảo chúng ta không có cà phê đến từ vùng phá rừng, đảm bảo an sinh xã hội và thu nhập của người dân ở thời điểm đó khi chúng tôi đánh giá đã tăng lên 15 - 20%", bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám Đốc vùng châu Á Chương trình Cảnh quan IDH, thông tin.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, phát triển cà phê cảnh quan được xác định là hướng đi có nhiều tiềm năng, mang lại lợi ích kép, khi vừa nâng cao giá trị cà phê, vừa phát triển du lịch; cùng với đó đẩy mạnh các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững; đồng thời, cũng cần tạo ra các sản phẩm cà phê có sự khác biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU.
Gia tăng giá trị nhờ liên kết trồng cà phê hữu cơ
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì sản xuất cà phê đại trà để lấy số lượng, hiện nay nhiều người dân đã chuyển đổi sang sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, cà phê hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ có giá trị gia tăng cao. Việc chuyển đổi sản xuất được bà con hưởng ứng nhờ có sự liên kết bao tiêu của doanh nghiệp.
Vườn cà phê nhà ông Đề (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) đang cho thu hoạch. Từ khi liên kết với công ty, cách thu hái cũng khác so với trước. Nếu trước đây thu hái theo xô cả xanh, cả chín, mỗi ngày một người hái được 2 tạ, giờ đây mỗi ngày chỉ hái được 50 - 70kg, bởi phải hái cà phê chín 100%. Làm vậy tuy mất công, nhưng bù lại sẽ cho những hạt cà phê có chất lượng đồng đều, giá thu mua cũng cao hơn.
"Công ty thu mua giá cao nhưng hái cũng tối nhiều công hơn, năng suất được ít hơn, không được nhiều như hái xô", ông Đỗ Đăng Đề, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, chia sẻ.
Trồng cà phê hữu cơ sẽ bán được giá, nhưng công sức và chi phí bỏ ra cũng tốn rất nhiều so với canh tác thông thường. Nếu không liên kết với công ty, những hộ trồng cà phê đơn lẻ như nhà bà Hiền (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) sẽ không làm nổi.
Công nhân thu hái cà phê chín ở Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)
"Nếu bán ra thị trường, cà phê này có giá 8.600 đồng, mà giá cả phân hóa học rất cao. Nếu áp dụng hoàn toàn phân hữu cơ thì nông dân chúng tôi không sản xuất được", bà Nguyễn Thị Hiền, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, cho biết.
Để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển theo hướng chuỗi giá trị. Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỷ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân.
Giải pháp nâng cao giá trị cà phê
Để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cà phê như: Đề án phát triển cà phê bền vững; Đề án tái canh cà phê; Đề án sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao" để đồng hành hỗ trợ cùng các doanh nghiệp và người trồng.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để giảm bán hàng theo "bao", tăng bán hàng theo "gói", sự đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu gắn với quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt là đòi hỏi tất yếu.
"Giá trị cà phê hội tụ, kết tinh cả giá trị thổ nhưỡng, khí hậu và nét văn hóa của người Việt Nam. Phát triển khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và kiểu dáng, bao bì nhãn mác. Một việc quan trọng nữa là cần xúc tiến thị trường thương mại. Nếu cà phê muốn phát triển thì phải được đón nhận ở các thị trường, đặc biệt như thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải vươn tới thì chúng ta mới có giá trị gia tăng cao, sản lượng lớn, kim ngạch xuất khẩu mới được tăng lên", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài cuối: Quản lý tốt quy hoạch nuôi trồng
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước