3 điểm chung nổi bật của các ngân hàng phát triển công
Kinh tế Việt Nam 2022: Triển vọng và thách thức / Kinh tế Việt Nam - một hành trình gian truân nhưng kiên cường
Độc lập- tự chủ, không huy động vốn từ tiền gửi
Trên thế giới hiện có khoảng 450 ngân hàng phát triển (NHPT) công đang hoạt động, với tổng doanh số hàng năm đạt khoảng 2.000 tỷ USD, chiếm 10% tổng lượng đầu tư hàng năm của toàn cầu. Trong đó, Brazil sở hữu tới 21 NHPT công và là quốc gia có nhiều NHPT công nhất thế giới. Trung Quốc là nước có NHPT sở hữu lượng tài sản lớn nhất thế giới, lên tới 2.400 tỷ USD vào năm 2018.
Trên thực tế, dù có sự đa dạng trong mô hình tổ chức và nhiệm vụ mục tiêu hoạt động, song các NHPT công thường có 3 điểm chung nổi bật.
Cụ thể, các ngân hàng phát triển đều được thành lập và hoạt động theo một đạo luật dành riêng cho chính các ngân hàng đó và tự chủ về tài chính. NHPT có thể là tổ chức công hoàn toàn, tập đoàn, công ty TNHH, công ty cổ phần do chính quyền trung ương hoặc địa phương quản lý và hỗ trợ, không có nước nào mà NHPT bị thương mại hóa, cổ phần hóa hoàn toàn.
Ngoài đạo luật thành lập NHPT, các NHPT phải tuân theo các luật và các văn bản hướng dẫn về hoạt động ngân hàng.
Tùy thuộc nguồn lực, NHPT có thể mở rộng mạng lưới không chỉ bằng hệ thống các chi nhánh, mà thành lập các công ty con trong và ngoài nước (với nghiệp vụ như công ty mẹ) hay các văn phòng đại diện nước ngoài (để cung cấp hay tiếp nhận thông tin về khuynh hướng đầu tư, ngành nghề, kinh tế).
Để tạo nguồn vốn hoạt động, NHPT không tìm kiếm hay nhận tiền gửi từ công chúng như các ngân hàng thương mại, mà được Chính phủ các nước thiết kế cơ chế tài chính đặc biệt thông qua các hình thức như:
Cung cấp hạn mức tín dụng dài hạn với lãi suất thấp. 54% tổng vốn của NHPT Brazil là các khoản vay lãi suất thấp, tối đa tới 35 năm, từ ngân quỹ quốc gia và 23,5% từ quỹ trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm. 40% tổng vốn của NHPT ở Nga là khoản vay từ Chính phủ Liên bang và Ngân hàng Liên bang.
Chính phủ bảo lãnh trái phiếu do NHPT phát hành hoặc các nghĩa vụ nợ của NHPT. Nguồn vốn này có thể chiếm tới 40-77% tổng vốn của NHPT, như ở Trung Quốc hay Nhật Bản.
Chính phủ cấp trực tiếp bổ sung vốn hàng năm. NHPT Hà Lan đã nhận khoảng 45 triệu Euro vốn cấp bổ sung hàng năm từ Chính phủ trong giai đoạn từ 1991-2005. NHPT ở Canada được Chính phủ tăng vốn tổng cộng tới 1,5 tỷ đôla Canada trong giai đoạn 2008 – 2010 và các nghĩa vụ nợ của ngân hàng này có thể được trả từ Quỹ thu nhập hợp nhất. Ở Hà Lan, Chính phủ cam kết cung cấp thanh khoản và bảo đảm thực hiện kịp thời nghĩa vụ của NHPT với bên thứ ba.
Trong trường hợp đặc biệt, NHPT có thể được cấp vốn hoặc tái cấp vốn.
Ở Nhật Bản, ngoài các khoản vay hay góp vốn của Chính phủ, NHPT còn được phép huy động vốn qua trái phiếu trong nước phát hành ra công chúng không có bảo lãnh Chính phủ nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường, trái phiếu có bảo lãnh Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp mà không có bảo lãnh Chính phủ và những khoản vay dài hạn đặc biệt từ khu vực tư nhân.
Ở Hàn Quốc, NHPT liên tục được Chính phủ bơm vốn và còn tự huy động vốn qua phát hành trái phiếu với chi phí huy động thấp, do có cùng mức đánh giá tín nhiệm của Chính phủ. Ngân hàng chính sách (NHCS) được Chính phủ sử dụng như một kênh bơm vốn đặc biệt để cho vay hoặc đầu tư vào các công ty/dự án nhằm thực hiện mục tiêu chính sách. Ở Trung Quốc, NHPT huy động vốn chủ yếu thông qua vay ngắn hạn NHTW và phát hành trái phiếu nội tệ (nhằm đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ như là phương tiện thanh toán toàn cầu) và ngoại tệ dài hạn (đôi khi lên tới 30 năm) được chính phủ bảo lãnh tới những nhà đầu tư là tổ chức trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng và thị trường nước ngoài. Các khoản nợ ngân hàng trong nước của NHPT được coi là tài sản không chịu rủi ro (được coi như trái phiếu chính phủ).
Năm 2009, NHPT là tổ chức phát hành trái phiếu lớn thứ hai Trung Quốc, sau Bộ Tài chính, chiếm khoảng ¼ số trái phiếu bằng nhân dân tệ, đồng thời, nó cũng là nhà cho vay ngoại tệ lớn nhất Trung Quốc. Ở hầu hết các nước, NHPT được hình thành ban đầu từ NHCS, có chức năng đầu tư, cho vay và đối phó với khủng hoảng kinh tế, thảm họa có quy mô lớn, thúc đẩy tăng trưởng và tính cạnh tranh của doanh nghiệp. NHPT thường đảm nhận hoạt động hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp và cơ sở hạ tầng quốc gia;, dẫn dắt phát triển các sản phẩm và thị trường mới, cũng như các hoạt động kinh doanh sáng tạo. Đặc biệt, NHPT cung cấp một mạng lưới tín dụng an toàn cho thị trường trong những tình trạng bất thường, như khủng hoảng kinh tế, thảm họa thiên nhiên…
Ngày nay, các NHPT có xu hướng đa dạng hóa trên mọi mặt hoạt động như của một doanh nghiệp chứng khoán hiện đại, bao gồm hoạt động ngân hàng đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn… Ở Nhật Bản, theo quy định tại Luật về NHPT, hoạt động kinh doanh của NHPT rất đa dạng, gồm: Tiếp nhận tiền gửi theo sự cho phép của Chính phủ; Cho vay tiền; Góp vốn; Bảo lãnh cho các nghĩa vụ và khoản nợ đến hạn; Mua bán chứng khoán; Cho vay chứng khoán; Tiếp nhận hoặc chuyển giao quyền đòi nợ, các giấy tờ có giá ngắn hạn; Làm đại lý hoặc trung gian cho các ngân hàng khác để thực hiện các thỏa thuận cung cấp tiền cho vay; Tham gia các giao dịch phái sinh; Cung cấp các dịch vụ tư vấn hoặc làm trung gian về việc chia tách, sáp nhật, chuyển giao kinh doanh, hoán đổi cổ phần, chuyển giao cổ phần…; Cung cấp các dịch vụ tư vấn quản lý, thông tin thị trường; Thực hiện điều tra, nghiên cứu, đào tạo về tài chính và các vấn đề kinh tế khác…
Hoạt động kinh doanh chính của NHPT là cung cấp các nguồn vốn dài hạn (cho vay và đầu tư) và các dịch vụ tư vấn. Tài trợ: cho vay trung dài hạn, cho vay hợp vốn, tài trợ dự án, tài trợ cấu trúc, tài trợ bất động sản. Đầu tư: vốn chủ sở hữu, đầu tư doanh nghiệp thông qua đòn bẩy tài chính (vay từ các định chế khác), đầu tư vốn cổ phần ưu đãi hoặc nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Các dịch vụ tư vấn: hỗ trợ về công nghệ, tư vấn mua bán và sáp nhập, trung tâm tư vấn cho doanh nghiệp nữ, thu xếp tài trợ cấu trúc. tập trung vào các hoạt động cho vay trung dài hạn, cho vay hợp vốn, tài trợ dự án, tài trợ cấu trúc, tài trợ bất động sản; đồng thời, thực hiện các dịch vụ tư vấn về công nghệ, tư vấn mua bán và sáp nhập, tư vấn cho doanh nghiệp nữ, thu xếp tài trợ cấu trúc.
Các NHPT công được thành lập, tồn tại, phát triển lâu dài, ngày càng được hoàn thiện gắn liền với quá trình điều chỉnh và phát triển chung của mỗi quốc gia.
Cơ chế quản trị công và được giám sát chặt chẽ
Lãnh đạo cao nhất của các NHPT thường là do Chính phủ bổ nhiệm. Bộ Tài chính, NHTW và các Bộ có liên quan sẽ đại diện tham gia vào các bộ phận quan trọng như HĐQT hoặc Ban Kiểm soát của NHPT. Các cán bộ cấp quản lý nghiệp vụ có thể được tuyển lựa từ bên ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội sẽ kiểm soát chặt chẽ các kế hoạch huy động vốn thông qua trái phiếu cũng như kế hoạch cho vay của các NHPT. Chính phủ vẫn có sự điều chỉnh nhất định đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng để không gây trở ngại tới quan hệ cạnh tranh với các thực thể khác của nền kinh tế.
NHPT áp dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến và các điều kiện tín dụng linh hoạt, và cơ chế xử lý rủi ro không khác biệt so với chuẩn mực chung của hệ thống tài chính - ngân hàng, Ở nhiều nước, NHPT thực hiện hoạt động theo sát các tiêu chuẩn và quy định của Cơ quan Giám sát Tài chính và Basel III, giống với các NHTM. Nợ xấu được xử lý theo nhiều cách, ví dụ như cho trả dần, tái cơ cấu hay M&A.
ở Trung Quốc, trong giai đoạn đầu, NHPT hoạt động theo sự chỉ đạo của Quốc vụ viện. Từ năm 2008, NHPT được triển khai theo mô hình doanh nghiệp và phải chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp, cũng như theo điều lệ hoạt động của NHPT.
Về mô hình tổ chức, trong HĐQT và Ban Lãnh đạo có sự tham gia của các đại diện các cơ quan bộ ngành như Bộ Tài chính, Ủy ban phát triển và cải tổ quốc gia, Bộ Thương mại, NHTW Trung Quốc. Ngoài ra, trong Hội đồng còn có các thành viên do các cổ đông bổ nhiệm.
Các hoạt động của HĐQT và Ban lãnh đạo sẽ do Ban Kiểm soát theo dõi và điều chỉnh. Thành viên của Ban Kiểm soát do Quốc vụ viện bổ nhiệm.
Trước khi tái cấu trúc, Ban Kiểm soát được chỉ định bởi Hội đồng Nhà nước - đại diện cho quyền lợi của chính phủ và thực hiện việc kiểm tra, giám sát ban điều hành, hoạt động và kết quả tài chính của NHPT. Thành viên Ban Kiểm soát được lựa chọn từ cán bộ của tổ chức, Bộ Tài chính, Ủy ban pháp luật ngân hàng Trung Quốc và tổ chức kế toán công được chỉ định. Sau tái cấu trúc, Ban Kiểm soát gồm có 5 thành viên: một Chủ tịch, các đại diện cho cổ đông của ngân hàng và đại diện cho người lao động NHPT.
Việc quản trị điều hành của NHPT tuân thủ theo điều lệ của Công ty cũng như các luật pháp khác liên quan của Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, NHPT còn phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn, định hướng đầu tư Chính phủ Trung Quốc.
Công cụ thực hiện mục tiêu chính sách của chính phủ
Các NHPT ở Ấn Độ thực hiện các nghiệp vụ chính, gồm cho vay trung, dài hạn các doanh nghiệp, các chương trình cho vay lại hướng tới DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, NHPT còn tài trợ dự án, đầu tư vốn chủ sở hữu, vốn trong các chương trình vốn đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư vốn góp tư nhân...
Hoạt động chính của NHPT ở Trung Quốc là cung cấp các khoản vay trung và dài hạn cho các chính quyền địa phương, các NHTM để cho vay lại cũng như các doanh nghiệp lớn, với cơ cấu: Cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực thành thị và chuyển dịch cơ cấu nông thôn (chiếm 27,4% tổng vốn cho vay); Phát triển hệ thống đường ô tô cao tốc (16,14%); Đầu tư vào hệ thống phát triển các ngành công nghiệp mới nổi (10,13%); Đầu tư vào phát triển hệ thống năng lượng (8,23%); Hệ thống cơ sở hạ tầng công cộng (11,35%).
NHPT cũng cung cấp một số dịch vụ ngân hàng thông thường, bao gồm thanh toán, kinh doanh ngoại hối, tín dụng chứng từ…. Đồng thời, trực tiếp tham gia tài trợ các dự án thông qua công ty con và tham gia các hoạt động buôn bán vốn trên thị trường; tiến hành phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành trái phiếu, mua bán trái phiếu. Hiện nay, NHPT là tổ chức phát hành trái phiếu quy mô lớn nhất của Trung Quốc. Trái phiếu được bán trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, cho các chủ đầu tư lớn cũng như các cá nhân.
Ở Đức, NHPT có nhiệm vụ tài trợ chính sách phát triển của Chính phủ Liên bang Đức và các chính sách của cộng đồng chung châu Âu. Cụ thể, thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển, đặc biệt là thông qua hình thức hỗ trợ tài chính để thực hiện các nhiệm vụ do chính phủ giao, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài trợ DN nhỏ và vừa, các gia đình thực hiện nghề tự do, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các lĩnh vực yêu cầu có rủi ro về vốn...
NHPT hoạt động theo mô hình tập đoàn, trong đó công ty mẹ chủ yếu tập trung vào các DN nhỏ và vừa, các khoản vay cho các doanh nghiệp Đức và các chính quyền địa phương. Chịu trách nhiệm quản lý các nguồn vốn của Chính phủ Đức ra nước ngoài, bao gồm cả các khoản vay ODA và cận ODA nhằm mục tiêu hỗ trợ sự phát triển. Các công ty con chủ yếu tài trợ, tham gia góp vốn cho các dự án khởi nghiệp hoặc mang các dự án mang tính rủi ro cao. NHPT thực hiện cho vay vốn cho trực tiếp cho các doanh nghiệp hoặc các chính quyền địa phương nhằm nâng cao các điều kiện xã hội. Các khoản đầu tư vào các dự án rủi ro, dự án khởi nghiệp; Hỗ trợ các dịch vụ tư vấn đầu tư, tư vấn quản lý..
Ấn Độ hiện có tới 5 NHPT công nghiệp, 1 NHPT nông nghiệp và 1 ngân hàng xuất nhập khẩu. Một số NHPT có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, một số khác chỉ trong phạm vi bang hoặc hẹp hơn. Lĩnh vực kinh doanh của hệ thống NHPT Ấn Độ rất đa dạng, có điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa từng NHPT. Hoạt động hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp được các NHPT thực hiện dưới 4 hình thức chính là cho vay có thời hạn và dịch vụ tư vấn; góp vốn; bảo lãnh phát hành chứng khoán mới và bảo lãnh các khoản vay có thời hạn và trả chậm. Các NHPT cung cấp chuỗi các sản phẩm và dịch vụ tài chính ngân hàng, phục vụ khách hàng ở tất cả các phân đoạn. Có tổ chức cung cấp sản phẩm ngân hàng và dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ, trong các lĩnh vực như ngân hàng đầu tư, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, vốn đầu tư mạo hiểm, quản lý tài sản (như ICICI), có tổ chức chuyên về phát hành trái phiếu, chấp nhận tiền gửi, bán các khoản đầu tư chứng khoán và giấy nợ trong ngành công nghiệp có liên quan… (như SFCs, SIDCs).
Sự hiện diện đồng thời của nhiều NHPT trên một vùng lãnh thổ rộng lớn giúp Ấn Độ hướng đến mục tiêu phát triển đồng đều nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy các ngành công nghiệp có quy mô từ nhỏ đến lớn, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu…
Tóm lại, dù có thể khác nhau về quy mô vốn và phạm vi hoạt động, cũng như khác với các ngân hàng thương mại kinh doanh vì lợi nhuận, các NHPT công trên thế giới thường là các định chế tài chính công đặc biệt. Nó hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, hoạt động theo cơ chế pháp lý đặc thù và thường được chính phủ bảo lãnh, giám sát chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ.
Bởi vậy, các NHPT công được thành lập, tồn tại, phát triển lâu dài, ngày càng được hoàn thiện gắn liền với quá trình điều chỉnh và phát triển chung của mỗi quốc gia. Đồng thời, nhiều ngân hàng phát triển quốc gia từng bước mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực, quốc tế đồng hành và thông qua các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của chính phủ các nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo