Thị trường

49 doanh nghiệp được phê duyệt đề án tái cơ cấu

DNVN - Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 10/2023, đã có 49 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thừa Thiên Huế: Thanh tra việc quản lý và sử dụng đất các doanh nghiệp sau cổ phần hóa / Quảng Bình: Nhiều đơn vị không đủ điều kiện cổ phần hóa

Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 10/2023, đã có 49 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Bao gồm 6 doanh nghiệp thuộc trung ương là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà và đô thị (HUD) và 43 doanh nghiệp thuộc các địa phương.

Các đơn vị còn lại đang triển khai xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Về tình hình cổ phần hóa, trong 10 tháng đầu năm 2023, không phát sinh doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như không phát sinh doanh nghiệp thoái vốn. Cùng thời gian này đã thoái vốn Nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, thu về 19 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong tháng 10, bộ đang tổng hợp ý kiến và báo cáo dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chuẩn bị tổ chức đợt đánh giá cập nhật xếp hạng tín dụng quốc gia năm 2023 với tổ chức Fitch.

Tính đến tháng 10/2023, có 49 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu.

Bộ đã hoàn thành khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho dự án CRIEM II tỉnh Phú Yên trị giá 58 triệu USD; khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) cho dự án hạ tầng ưu tiên phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An...

Đồng thời, Bộ Tài chính đang trình đề xuất đàm phán đối với một số dự án: khoản vay của WB cho dự án Thoát nước tỉnh Bình Dương; dự án Kết nối giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình (vay Hàn Quốc); dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, Quảng Nam (vay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)); thỏa thuận vay cho dự án Bệnh viện Sản nhi An Giang (vay Áo); dự án Chống hạn xói lở ngập lụt thích ứng biến đối khí khậu tỉnh Ninh Thuận (vay AFD); dự thảo Hiệp định tài chính cho dự án Quan trắc sông Hồng (vay Italia); dự án 3 cầu trên ĐT.827E (vay Hàn Quốc) ...

Bộ Tài chính cũng vừa thực hiện đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Triển khai đến các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương một số công việc liên quan đến giảm tiền thuê đất; thực thi tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Đồng thời, hướng dẫn bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công, thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất; miễn tiền sử dụng đất…

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son theo Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm