5 năm thực thi CPTPP: Xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 1/10/2024: Đồng USD đảo chiều tăng giá / Vượt thách thức, bứt tốc tăng trưởng kinh tế cuối năm
Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Hiệp định CPTPP: Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Mỹ" sáng ngày 2/10 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Long - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực vào tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường khu vực châu Mỹ, đặc biệt là các thị trường thành viên gồm Canada, Mexico, Chile, và Peru. Trong đó, Canada, Mexico và Peru là các thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam.
Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Thứ trưởng Long thông tin, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023. Mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi (186%), từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023.
“Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỷ USD”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh những con số ấn tượng nêu trên, việc tham gia CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ đã và đang được củng cố qua các cam kết chiến lược.
Tuy vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Ví dụ, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu Việt Nam còn thấp, thương hiệu chưa được chú trọng đúng mức và tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu tại các nước châu Mỹ thực tế vẫn còn hạn chế.
Châu Mỹ là thị trường rộng lớn và có sự liên kết chặt chẽ với nhau thông qua các khối thương mại tự do đan xen như Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (CUSMA), Liên minh Thái Bình Dương (PA), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)… Tận dụng các lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, cùng với các vị trí cửa ngõ thuận lợi các nước thành viên trong khu vực là Canada, Mexico, Chile và Peru, các doanh nghiệp có thể xem xét thông qua việc kinh doanh và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu sang khu vực thị trường sôi động và đầy tiềm năng này.
Để biến những cơ hội này thành hiện thực, không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phối hợp chặt chẽ. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất nhập khẩu, và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các đối tác quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh