An Giang: Anh tài xế làm giàu nhờ nuôi cà cuống
Thành công từ lần nuôi đầu tiên
Anh Lăng kể, những năm trước, anh làm tài xế cho một công ty trên địa bàn. Nhiều năm theo nghề, lưng anh thường xuyên đau nhức, ảnh hưởng đến công việc. Vốn xuất thân gia đình nông dân, trong lúc nghề tài xế có khả năng không thể theo đuổi tiếp, anh Lăng suy nghĩ tìm hướng đi mới gắn với nông nghiệp để ổn định cuộc sống gia đình. “Trong lúc khó khăn tìm mô hình chăn nuôi, tôi chợt nhớ đến có quen một người bạn ở Tây Ninh chuyên nuôi cà cuống nên đến tham quan mô hình, hy vọng học hỏi được kinh nghiệm. Trong bối cảnh hiện nay, dẫu là chăn nuôi, cũng phải tìm vật nuôi mới thì mới mong thành công. Cà cuống đầu ra luôn ổn định nhưng là vật nuôi mới tại miền Tây nên phải tính toán kỹ trước khi quyết định đầu tư. Nhờ chuyến tham quan mà tôi biết thêm rất nhiều vấn đề liên quan về loài vật đặc biệt này và quyết định đưa chúng về đồng bằng”- anh Lăng kể.
Sau khi được hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc, đầu năm 2017, anh Lăng tận dụng đất của gia đình làm trại rồi xây bể và chia lại 120 con cà cuống giống (150.000 đồng/con) của người bạn về nuôi thử nghiệm. “Do lần đầu nuôi chưa quen với cách cho ăn, chăm sóc nên lứa cà cuống này chết gần 30 con. Tuy hao hụt nhưng có thể coi là thành công trong lần nuôi đầu tiên vì chỉ sau hơn 2 tháng tôi đã quen dần tập tính, cách thức cho ăn, chăm sóc. Số cà cuống này tôi để đẻ ra làm giống nhân đàn, cứ thế phát triển cho đến hôm nay”- anh Lăng bộc bạch.
Theo anh Lăng, để cà cuống phát triển tốt, anh xây bể nuôi bằng xi măng ngang 1,5m, dài 3m, cao 0,8m. Bên trên bể có nắp đậy bằng lưới để cà cuống không bò ra ngoài, chiều cao mặt nước cách đáy bể khoảng 0,2m. Anh Lăng cho biết cà cuống rất dễ nuôi, hoàn toàn không bị nhiễm các loại dịch bệnh, ít hao hụt, gia đình có diện tích đất nhỏ vẫn có thể nuôi được. Đặc biệt cà cuống đẻ quanh năm, mỗi lần đẻ cách nhau 1-1,5 tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau 5-7 ngày, trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở khoảng 98%. Từ khi nở đến lúc xuất bán làm giống mất 45 ngày; còn nuôi dưỡng để sinh sản mất 75 ngày… Theo anh Lăng, con cà cuống đực ngay phần lưng có 2 ống nhỏ gọi là bọng, màu trắng, bên trong chứa một chất thơm mùi quế, thường được dùng để chiết xuất tinh dầu. Đối với con cái thì không có tinh dầu thơm này.
Tiếp tục mở rộng sản xuất
Tuy chỉ mới “bén duyên” với vật nuôi này gần 3 năm nhưng mọi kỹ thuật nuôi dưỡng cà cuống, anh Lăng đều thuần thục. Trong quá trình nuôi, anh Lăng quan tâm tạo môi trường thủy sinh ổn định cho cà cuống. Các bể nuôi được anh thả rong rêu, lục bình và đặt cây gỗ xung quanh bể cho cà cuống có chỗ bám vào đẻ trứng. Thức ăn của cà cuống chủ yếu là nhái, cá nhỏ và côn trùng như dế, cào cào, châu chấu. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn, anh Lăng còn nhân giống ếch và các loại cá kiểng như cá bảy màu, hột lựu, lia thia... Theo anh Lăng, điều quan trọng là phải cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ để tránh tình trạng cà cuống cắn nhau, dẫn đến hao hụt. Hôm trước đổ thức ăn vào thì hôm sau phải vớt xác các loại làm mồi còn dư ra bỏ để không làm ô nhiễm nguồn nước. Chu kỳ từ 1-1,5 tháng tiến hành thay nước trong bể một lần.
Hiện trang trại cà cuống của anh Lăng có 20 bể nuôi với khoảng 2.000 con bố mẹ và vài ngàn con non. Nhờ đó, mỗi tháng anh xuất bán hàng trăm con giống với giá khoảng 200.000 đồng/con, thu nhập hơn 40 triệu đồng. “Hiện nay, cà cuống được coi là loài côn trùng quý hiếm, có nhiều công dụng như làm thuốc chữa bệnh, ngâm làm nước mắm, chế biến thành các món ăn đặc sản như chiên giòn, chiên bột… nên không lo đầu ra. Con giống, ổ trứng, có bao nhiêu người ta đặt hàng vẫn không đủ để giao”- anh Lăng nói.
Đến thời điểm này, con cà cuống đã trở thành nguồn thu chính của gia đình anh Lăng. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Lăng nói hiện có khách đặt 80 ổ cà cuống giá mỗi ổ 700.000 đồng nhưng không có hàng để giao. Đầu ra ổn định, anh Lăng quyết tâm mở rộng trại nuôi. Anh dành hết vốn tích lũy được hơn 1,5 tỉ đồng mua đất mở rộng trại, nâng tổng số lên gần 30 bể nuôi, với tổng đàn bố mẹ thường xuyên hơn 3.500 con. “Cà cuống được xem là món đặc sản nhưng ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm nên việc nuôi loài côn trùng này rất an tâm đầu ra. Tuy cà cuống không bệnh nhưng cái khó là nguồn nước phải sạch, nguồn mồi phải ổn định, nếu thiếu chúng sẽ cắn nhau dẫn đến bị thương gây thiệt hại tổng đàn. Khi cung ứng giống ra thị trường, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho những ai muốn nuôi loại côn trùng này”- anh Lăng cho biết.
Cà cuống có tên khoa học là Lethocerus indicus Lep. et Serv là một loại côn trùng thuộc họ Chân bơi Belostomatidae sống dưới nước, thuộc bộ Cánh nửa (Hemiptera) và là một trong những nhóm côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay. Cá thể có cơ thể dẹt, hình lá, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình 7-8cm, có con lên đến 10-12cm. Ở dưới ngực cà cuống đực, có hai túi nhỏ và dài chứa chất lỏng trong, mùi thơm mạnh, đó là tinh dầu có tên hóa học là veleriant amil. Chất tinh dầu này không độc, có vị cay, mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị trong bữa ăn của người Việt. Bộ phận dùng làm thuốc của cà cuống là thịt, trứng và tinh dầu. Thịt và trứng cà cuống chứa protein với hàm lượng khá cao, lipid và các vitamin. Đông y cho rằng dược liệu có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Trong dân gian, người ta dùng thịt và trứng cà cuống để ăn dưới dạng luộc hoặc chiên sau khi đã lấy túi tinh dầu. Có thể để nguyên con, chỉ bỏ cánh, hấp chín, rồi băm nhỏ dùng làm gia vị đặc biệt cho món nước chấm bánh cuốn và nước dùng bún thang. Trên thực nghiệm y học, tinh dầu cà cuống được dùng với liều thấp theo giọt như một chất kích thích thần kinh, gây hưng phấn và tăng cường nhẹ khả năng sinh dục.
Theo Bình Nguyên/Báo Cần Thơ
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?