Áp dụng biểu giá mua điện mặt trời mới: Thúc đẩy làn sóng đầu tư điện trên mái nhà tại hộ gia đình
Hiệu quả thiết thực từ điện mặt trời áp mái / Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về công suất điện mặt trời
Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định 11. Theo Quyết định này, dự án hoặc phần dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 01/07/2019 đến hết ngày 31/12/2020 được áp dụng giá bán điện tương đương 7,09 UScent/kWh (khoảng 1.644 đồng/kWh) đối với các dự án điện mặt trời nối lưới mặt đất và tương đương 7,69 UScent/kWh (khoảng 1.783 đồng/kWh) đối với các dự án điện mặt trời nối lưới nổi. Giá bán điện mặt trời trên mái nhà tương đương 8,38 cent/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh). Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Đây là quyết định được các nhà đầu tư điện mặt trời quy mô lớn lẫn các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trên mái nhà mong mỏi chờ đợi suốt gần 10 tháng qua khi quyết định cũ đã hết hiệu lực từ 1/7/2019.
Hệ thống điện mặt trời áp mái trên cao ốc tại TP Hồ Chí Minh.
Điện mặt trời áp mái – nguồn năng lượng xanh
Đại diện của Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, chỉ riêng trong tháng 3/2020, Tổng công ty đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều cho gần 600 khách hàng và tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời đã lên đến 1.615. Lũy kế đến tháng 3, Tổng công ty đã thanh toán tiền mua điện mặt trời trên mái nhà cho hơn 4.000 khách hàng gần 145 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Kiên (Phường Tân An, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, cuối năm vừa rồi gia đình ông vừa đầu tư 90 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà với tổng công suất 5 kWp, mỗi ngày hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời nhà ông cũng thu được gần 30 kWh điện. Với sản lượng này đủ dùng thoải mái các thiết bị trong gia đình, mỗi tháng ông còn bán lại cho điện lực khoảng 200 kWh. Sau khi biết giá bán điện mặt trời áp mái vừa được ban hành gia đình ông khá hài lòng khi hàng tháng không phải tốn một khoản chi trả tiền điện mà lại có thu nhập đáng kể vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Thiết bị Inverter hoà lưới tại nhà ông Kiên.
Cuối tháng 2/2020, Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM vừa ký thoả thuận với Công ty cổ phần BCG Energy sẽ phát triển ít nhất 300 MWp điện mặt trời áp mái trên những nhà máy tại khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020 - 2024. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu thực hiện 1.000 MWp tổng công suất năng lượng mặt trời áp mái cho hơn 1.000 doanh nghiệp, đồng thời giảm thải 23 triệu tấn CO2, nhằm giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Cuộc chạy đua trước giờ G
Nguyên nhân mức giá mua điện mặt trời áp mái mới giảm 143 đồng so với giá cũ mặc dù EVN đã kiến nghị tiếp tục giữ nguyên mức giá 9,35 cent/kWh đến hết năm 2020. Theo Bộ Công thương mức giá 8,38 cent/kWh là hợp lí, phù hợp với xu hướng giá công nghệ giảm và giảm áp lực lên giá điện bán lẻ toàn quốc.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà, một đơn vị phát triển điện mặt trời áp mái tại khu vực phía Bắc, cho rằng mức giá này vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư. Ông phân tích, công nghệ pin mặt trời đã cải tiến 20% trong suốt 2 năm qua, giúp tăng hiệu suất của các tấm pin trên cùng một diện tích, giá thành thiết bị cũng thấp hơn đang hấp dẫn đang thúc đẩy điện áp mái gia tăng kể từ giữa năm ngoái, không chỉ tại doanh nghiệp quy mô lớn (khu công nghiệp, khu chế xuất, siêu thị...) mà ở hộ kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ doanh nghiệp tư nhân Điện mặt trời Sài Gòn (Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), cho rằng giá điện mặt trời trên mái nhà vừa được ban hành tuy không cao như kỳ vọng, song các hộ dân vẫn có thể lắp đặt bởi giá mua bán điện không giảm quá sâu trong khi chi phí thiết bị đã hạ so với trước. Ông Thành nhận định mức giá mới sẽ vẫn thúc đẩy làn sóng đầu tư điện trên mái nhà ở hình thức hộ gia đình lẫn các mái nhà xưởng, khu công nghiệp.
Ông Thành cùng nhân viên thi công hệ thống điện mặt trời áp mái cho khách hàng.
Tuy vậy, theo đánh giá của ông Thành hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt thiết bị, đơn đặt hàng nhập khẩu, do chủ yếu các thiết bị điện mặt trời trong nước đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nên Quyết định số 13 có hiệu lực từ ngày 22/5 và kéo dài đến cuối năm 2020, tức thời gian thực hiện chỉ còn gần 8 tháng trước khi các ưu đãi của chính sách hết hiệu lực. Đây sẽ là bài toán khó cho các nhà đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng