Thị trường

Ba khuyến cáo hỗ trợ doanh nghiệp duy trì xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

DNVN - Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) vừa đề nghị các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp duy trì xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Hỗ trợ doanh nghiệp miền Trung xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc / Hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh phía Nam xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc

Ngày 21/10/2021, Văn phòng SPS Việt Nam ban hành Công văn số 221/SPS-BNNVN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) về việc “đề nghị triển khai gấp việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc”.
Đây là bước hướng dẫn tiếp theo của Văn phòng SPS Việt Nam trong việc hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng những yêu cầu của Lệnh 248, 249 của Trung Quốc.
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Ba vấn đề chính được Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo trong Công văn 221 bao gồm:
Thứ nhất, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, các cơ quan hữu quan sớm gửi hồ sơ đăng ký về Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ trước ngày 26/10/2021.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chịu trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký, xác nhận doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đăng ký. Sau đó, các cơ quan triển khai đăng ký sớm với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo quy định nêu trên trước ngày 30/10/2021.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, những cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ.
Riêng đối với các sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 3 đơn vị chịu trách nhiệm là: Cục Bảo vệ thực vật đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật; Cục Thú y đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn; Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản đối với các sản phẩm thủy sản.
Thứ ba, các doanh nghiệp chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý ở địa phương để hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đảm bảo đúng thời hạn quy định; phối hợp với các nhà nhập khẩu, đại lý tại Trung Quốc để nắm thông tin về ghi nhãn bao bì, đóng gói phù hợp với quy định của thị trường.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, những doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc trước ngày 31/10 sẽ hưởng nhiều ưu đãi về thủ tục so với việc đăng ký từ ngày 1/11 đến 31/12.
Trước đó, vào ngày 12/4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về "Quy định đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài". Hai ngày sau, cơ quan này tiếp tục ban hành Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Các lệnh trước như 243 sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm