Kết nối trực tuyến tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào thị trường Nga
Đà Nẵng: Đề xuất tăng diện tích Khu Công nghệ cao lên quy mô 1.844ha / Doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi 5.000 chữ ký cầu cứu Chính phủ hỗ trợ để vượt qua "bão" COVID-19
Buổi tọa đàm về cơ hội kết nối xuất khẩu sang thị trường Nga với chủ đề “Tọa đàm cùng chuyên gia quốc tế”, được tổ chức trực tuyến với khách mời là các chuyên gia về xuất nhập khẩu đến từ Nga đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp của cả Việt Nam và Nga tham dự để giao lưu, thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm sang thị trường này.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đang có gắng hết sức để có thể kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga đang được nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm.
Tọa đàm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam tới các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức Nga. Đồng thời tọa đàm cũng giúp hai bên chia sẻ, trao đổi mong muốn hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu giữa 2 thị trường. Bên cạnh đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận, nắm bắt thị hiếu và xu hướng tiêu dùng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm – đồ uống, đồ gia dụng, hải sản.
Đại diện trung tâm xúc tiến Thương mại Nga tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, về phía Nga đơn vị này đã nhận được rất nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các nhà nhập khẩu Việt Nam về các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, xây dựng và công nghệ thông tin. Còn về phía Việt Nam, các đối tác Việt Nam lại có kiến nghị tìm kiếm các nhà cung cấp Nga về các sản phẩm như lúa mì, đậu nành, ngô, thực phẩm chức năng…
Hiện trung tâm cũng đang kết hợp chặt chẽ với Hội xúc tiến thương mại Việt – Nga và Hiệp hội doanh nhân Quốc tế Việt Âu để kết nối các công ty Việt Nam và Liên bang Nga với nhau, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến kết nối với các doanh nghiệp 2 nước với nhau. Các doanh nghiệp quan tâm có thể tham gia và liên hệ trực tiếp để được hỗ trợ.
Buổi tọa đàm về cơ hội kết nối xuất khẩu sang thị trường Nga được tổ chức trực tuyến thu hút hơn 200 doanh nghiệp tham dự.
Còn theo bà Regina Budarina, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, các doanh nghiệp Việt Nam cần đi theo con đường ngắn nhất, đó là nghiên cứu thị trường marketing - một việc làm rất quan trọng. Tuy ban đầu các doanh nghiệp cần chi phí nhiều nhưng trong tương lai sẽ giúp ích cho các hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Nga hiện tại còn chưa chú trọng vào việc nghiên cứu thị trường Việt Nam.
Hiện nay, sản phẩm của các nhà sản xuất Việt Nam chưa được biết tới nhiều tại Nga. Rất nhiều người biết đến gạo Ấn Độ nhưng lại không biết đến gạo Việt Nam, trà xanh Việt Nam cũng rất ngon nhưng ở Nga ít biết đến. Xoài tươi Thái Lan ở Nga thì có nhưng xoài Việt Nam thì không. Khách hàng muốn mua thì phải ra chợ Việt Nam hay các quán cafe của người Việt. Nội thất Việt Nam cũng ít biết đến ở Nga.
Từ đó, bà Regina Budarina cho rằng nên tổ chức thường xuyên các hội nghị chuyên đề, triển lãm… để các thương hiệu Việt đến gần hơn tới thị trường Nga. Bà cũng đề xuất thêm một phương án vận chuyển bằng đường sắt qua Trung Quốc để giảm chi phí logistics. Mở nhà thương mại Nga Việt, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia để trao đổi kinh nghiệm. Hội hữu nghị Nga Việt rất sẵn lòng giúp đỡ các doanh nghiệp muốn cung cấp hàng hoá sản phẩm tới Nga.
Trưởng phòng phát triển quan hệ hợp tác kinh doanh Tập đoàn X5 Retail Group – bà Tatiana Aptel cũng chia sẻ, Tập đoàn X5 hiện có trên 17.352 cửa hàng tiện ích trên toàn Nga. X5 Import luôn hợp tác trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cởi mở. Bên cạnh đó, X5 rất quan tâm đến các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, thực phẩm tươi trái cây nhiệt đới, trái cây khô, hải sản đông lạnh, cá…
Các doanh nghiệp đã thảo luận và đặt câu hỏi liên quan đến nhu cầu của thị trường Nga về các sản phẩm của Việt Nam, cũng như kết nối xuất khẩu được sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nga.
Hiện nay, một số doanh nghiệp cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin cũng như hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu vào thị trường Nga, đặc biệt với một số các sản phẩm đặc thù như cá cơm khô. Trước thắc mắc này của doanh nghiệp, đại diện bên phía Nga cho biết, với những sản phẩm của Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nga thì đối tác của Việt Nam tại Nga sẽ là đơn vị trực tiếp nhận mẫu mang đi xét nghiệm và đứng ra làm giấy tờ cho doanh nghiệp Việt.
Theo kế hoạch, chương trình sẽ có những tọa đàm tiếp theo để các đối tác Liên bang Nga tìm hiểu thị trường Việt Nam, trao đổi với các đại diện Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hai nước có thể trực tiếp giới thiệu, trao đổi với nhau về nhu cầu của mỗi bên và các vấn đề hợp tác. Phần giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp diễn ra theo từng nhóm ngành hàng trên nển tảng Zalo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo