Băc Kạn: Sinh khí mới với trồng rau an toàn
Quảng Nam: Bình Triều sản xuất rau sạch tạo cú hích cho nông thôn mới / Sơn La: Chàng trai người Mông trồng rau sạch, thu 200 triệu đồng/năm
Đời sống người dân Tân Sơn đang thay đổi rõ nét nhờ hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn (Ảnh tư liệu) |
Nông thôn khởi sắc
Ông Triệu Văn Tài, người trồng rau tại xã Tân Sơn, chia sẻ những năm trước đây, gia đình ông sản xuất rau màu trên 3 sào ruộng, nhưng chưa bao giờ đạt doanh thu 50 triệu đồng.
Nguyên nhân là do diện tích sản xuất còn nhỏ, manh mún, kỹ thuật mới còn thiếu nên gặp nhiều khó khăn trong canh tác, trong khi các sản phẩm không tìm được đầu ra, việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế.
Năm 2018, gia đình ông Tài quyết định chuyển sang phát triển mô hình trồng rau an toàn, được cán bộ nông nghiệp xã và HTX hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hiệu quả kinh tế gia tăng rõ rệt.
Những ruộng rau của gia đình ông đã phát triển tốt và cho những vụ mùa bội thu với nhiều sản phẩm từ su hào, bầu, bí đến các loại rau ăn lá.
Nhờ chất lượng đảm bảo, các sản phẩm của gia đình ông Tài đang cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch và người dân mua về sử dụng, thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.
Tương tự, ông Triệu Kim Hữu - thôn Khuổi Đeng 2, cho biết cuộc sống gia đình trước đây chỉ trông chờ vào việc trồng lúa, ngô, sắn nhưng chưa khi nào đủ ăn. Gia đình ông là một trong 10 hộ nghèo của xã được hỗ trợ vốn trồng rau sạch.
Từ khi tham gia HTX rau sạch, gia đình ông Hữu đã xây được nhà cửa khang trang, các con được đến trường…
Theo chị Lý Thị Ba - Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn, bà con trong xã trước đâychủ yếu trồng lúa, lạc và khoai lang. Công sức, tiền của đầu tư nhiều, nhưng hầu như năm nào cũng bị mất mùa, thua lỗ do đất cằn cỗi, không phù hợp với các loại cây này.
Đến nay, nhờ hiệu quả của mô hình rau an toàn, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5% (theo chuẩn mới). Đồng bào Dao nơi đây đã có một cuộc sống ổn định, đời sống thêm no ấm.
Nhờ chất lượng cao, rau an toàn Tân Sơn đang được tiêu thụ ổn định, tham gia nhiều hội chợ (Ảnh TL) |
Sản xuất bền vững
Những kết quả của mô hình rau an toàn không chỉ do quyết tâm phát triển kinh tế – xã hội của các cấp ngành địa phương, mà còn thể hiện vai trò tích cực của mô hình kinh tế hợp tác trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại vùng miền núi.
Điển hình như sự ra đời của HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn là kết quả của sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và quyết tâm chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau màu theo hướng an toàn của người dân.
Khi tham gia vào HTX, các thành viên và hộ liên kết được tập huấn, hỗ trợ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc, ưu tiên sử dụng phân bón vi sinh, phân hữu cơ trong canh tác.
Sản phẩm của HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhãn mác truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã có mặt tại các siêu thị tại Hà Nội.
Hiện nay, ngoài trồng các loại rau, gừng, bí thơm xanh và dưa hấu là 3 loại cây chủ lực của HTX. Tất cả các loại rau củ quả đều được trồng, thu hoạch, đóng gói theo quy trình nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
HTX đứng ra làm đơn vị thu mua sản phẩm cho các thành viên và bà con. Rau quả đều được kiểm tra thông qua nhật ký của các thành viên, nếu không đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được thu mua.
Với những thành công ban đầu của mô hình trồng rau an toàn, UBND xã Tân Sơn cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, thay đổi phong tục, tập quán sản xuất tự phát, đảm bảo vệ sinh môi trường...
End of content
Không có tin nào tiếp theo