Lào Cai: Triển vọng nhờ trồng rau sạch
Thanh Hóa: Gặt thành công với mô hình trồng nấm an toàn / Trồng cây sơn tra giúp đồng bào vùng cao ở Yên Bái tăng thu nhập
Nhiều năm trở lại đây, nghề trồng rau vụ đông, rau an toàn ở vùng cao Bắc Hà đã phát triển khá mạnh tại nhiều địa phương trong huyện. Chính điều này đã góp phần hình thành rõ nét các vùng chuyên canh sản xuất rau theo hướng hàng hóa, theo tiêu chuẩn "an toàn, sạch bệnh", điển hình như tại các xã Na Hối, Tà Chải, thị trấn Bắc Hà…
Tích cực sản xuất
Hiện người dân một số địa phương ở Bắc Hà đang đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ cao để sản xuất rau sạch, việc này giúp người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác.
Người đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch là ông Vàng Văn Khương, ở thôn Na Thá, xã Tà Chải. Năm 2015, ông đã mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để xây dựng mô hình nhà lưới trồng rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.020m2. Đây cũng là mô hình "điểm" đầu tiên của huyện Bắc Hà trong việc sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP.
Khi thực hiện mô hình mới này, gia đình ông Khương cũng gặp phải không ít những khó khăn, nhất là kinh nghiệm sản xuất. Ông vừa làm, vừa tìm tòi, học hỏi từ thực tế. Bởi các quy trình thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao cũng đòi hỏi nhiều khắt khe so với trồng rau bên ngoài. Nhưng bằng sự quyết tâm, mô hình sản xuất của ông đã thu về quả ngọt.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng rau hiệu quả, ông Vàng Văn Khương cho biết: Mấy năm gần đây, nhờ chú trọng đưa công nghệ cao vào sản xuất, nhất là trong việc trồng và chăm sóc rau trái vụ. So với cách làm truyền thống thì hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn khoảng 20-30%.
Điều ông Kiên và các hộ dân trồng rau sạch ở địa phương thấy yên tâm là các diện tích rau đều nằm trong dự án trồng và phát triển rau an toàn của huyện, sản phẩm rau an toàn thu hoạch đến đâu, đều được Trung tâm DVNN huyện Bắc Hà ký kết bao tiêu sản phẩm. Điều này khiến bà con trồng rau sạch thêm gắn bó, tin tưởng với việc trồng, mở rộng diện tích rau của gia đình.
Không chỉ tại xã Tà Chải, mà tại xã Na Hối cũng đã hình thành các vùng sản xuất, chuyên canh rau màu theo hướng hàng hóa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nhân dân. Đên nay, diện tích rau an toàn của xã là 40ha. Người dân ở đây chủ yếu trồng các giống rau bản địa, rau ngắn ngày, được thị trường ưa chuộng và dễ bán hơn. Người trồng cũng tuân thủ đúng hướng dẫn kĩ thuật đã được tập huấn từ khâu chọn giống, xử lý đất đai, đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại...nhờ đó chất lượng rau được đảm bảo.
Điều đặc biệt là tại địa phương đã thành lập HTX rau sạch Dì Thàng. Những năm qua, HTX là địa chỉ quen thuộc, hỗ trợ đầu vào, kỹ thuật, thu mua, tiêu thụ rau cho bà con nhân dân. Hiện, HTX đầu tư triển khai xây dựng 2 mô hình nhà lưới sản xuất rau sạch, ứng dụng công nghệ cao với quy mô là hơn 1.000m2.
Bà Lã Thị Liễu, thành viên HTX Dì Thàng, cho biết: sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều thuận lợi, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm rau của địa phương ra các thị trường khó tính như Hà Nội.
Bảo đảm ATVSTP và môi trường
Với nhiều thế mạnh về điều kiện tự nhiên trong phát triển các loại rau màu bản địa, tính đến cuối năm 2018, huyện Bắc Hà thực hiện trên 600 ha cây trồng các loại, trong đó gần 300 ha là rau màu. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp huyện cũng đang tích cực quảng bá rau bản địa Bắc Hà nhằm tìm kiếm các bạn hàng uy tín, đưa các sản phẩm rau Bắc Hà tiếp cận sâu vào các thị trường cao cấp.
Điều đặc biệt là người dân Bắc Hà đã chủ động ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất rau, trong đó, phần lớn là rau VietGAP được trồng trong nhà lưới. Các mô hình sản xuất này vừa tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, vừa cho rau sạch, an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là hướng đi tốt nhất để khẳng định thương hiệu rau sạch Bắc Hà, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con.
Việc chú trọng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều này sẽ tạo điều kiện cho huyện vùng cao Bắc Hà mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất. Điều này cũng cho thấy người dân ở đây đã nhận thức được vai trò của nông sản sạch, an toàn đối với sức khỏe con người.
Không ít hộ dân đã thoát nghèo và coi trồng rau sạch là nghề chính để phát triển kinh tế. Tính trung bình mỗi sào rau cho thu nhập 4- 5 triệu đồng. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nhờ sản xuất an toàn nên giá các mặt hàng nông sản thực phẩm không ngừng tăng lên thúc đẩy người dân phát triển diện tích rau màu, tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình. Hiện nay, hầu hết các xã đều phát triển trồng rau sạch hàng hóa, trung bình mỗi hộ có 3 - 5 sào, bảo đảm thu về ít nhất 15-20 triệu đồng/năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Bắc Hà đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất rau