Bài học ứng cứu nông dân
Mỗi ngày xuất 50 tấn thanh long bằng đường biển / Khôi phục lại từng phần hoạt động thương mại tại biên giới Việt-Trung
Hơn một tuần qua, tình trạng cam rụng la liệt kín vườn khiến người nông dân trồng cam ở hai huyện Bắc Quang và Quang Bình thuộc tỉnh Hà Giang rơi vào cảnh mất trắng. Con số thiệt hại ở huyện Bắc Quang là vào khoảng 7.000 tấn, còn ở huyện Quang Bình khoảng 1.200 - 1.300 tấn. Nhiều HTX và các nhà vườn thiệt hại khoảng 30-40%, thậm chí có vườn lên đến 70%.
Dùng chế biến để “cứu”
Nguyên nhân được chỉ rõ là bên cạnh lý do thời tiết thay đổi đột ngột còn do nông dân trồng cam tại 2 huyện này dù đến mùa thu hoạch rộ nhưng còn để nhiều quả trên cây vì sức mua từ Trung Quốc giảm, tắc đường ở cửa khẩu do ảnh dịch Covid-19.
Vấn đề được đặt ra là nếu như người trồng cam ở đây được ứng cứu sớm hơn từ sự chủ động phối hợp giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp (DN) và nông dân, thay vì cam rụng trắng được sớm thu hoạch và mang đi bảo quản, chế biến… thì những thiệt hại sẽ được giảm thiểu phần nào.
Trong khi đó, với những câu chuyện về “giải cứu” nông sản do không thể xuất sang Trung Quốc vì dịch Covid-19 thì đang nổi lên cách làm của ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc một hãng bánh kẹo ở Tp.HCM, khi tạo ra một loại bánh mì mới làm từ trái thanh long.
Ông Lực chia sẻ khi đi công tác ở Đồng bằng sông Cửu Long, ghé qua tỉnh Vĩnh Long thấy trái thanh long chín đầy ruộng, rồi nghe bà con nông dân than thở tới mùa thu hoạch rộ mà không bán được do ảnh hưởng dịch bệnh.
Điều này khiến ông trăn trở làm sao để “ứng cứu” nông dân trồng thanh long hợp lý nhất từ chuyên môn của mình. Và ông nghĩ ra việc chế biến một sản phẩm bánh mì mới từ trái thanh long vừa có vị thơm ngon hơn, vỏ bánh giòn, ruột đặc dẻo với công thức đơn giản là giảm 80% lượng nước trong mẻ bột bánh mì và thay vào đó là 60% lượng thanh long xay nhuyễn.
Khi cầm loại bánh mì mới này trên tay, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ “muốn chảy nước mắt” khi giữa lúc nông sản gặp khó vì dịch bệnh trên trời rớt xuống, thì một chủ DN bánh kẹo như ông Lực đã ra tay “giải cứu” nông sản bằng cách nâng cao giá trị gia tăng từ việc chế biến.
Hoặc mới đây, trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đã tổ chức đoàn gồm 9 DN Việt Nam tham gia Hội chợ triển lãm và bán buôn các sản phẩm hoa quả tươi (Fruit Logistica) tại Berlin (Đức).
Thông qua hội chợ này, một DN đến từ Nga đã ký kết đơn hàng 2-3 triệu USD với DN của tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, các DN đến từ Mỹ, Canada, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... đã ký kết mua thanh long, chanh không hạt... của Việt Nam.
Cần giải pháp căn cơ
Theo Vinafruit, tổng giá trị các đơn hàng và hợp đồng mà DN Việt ký kết được tại hội chợ năm nay tăng từ 50-100% so với năm ngoái. Dự kiến kim ngạch khoảng 15-20 triệu USD cho các mặt hàng: thanh long, chanh leo, chanh không hạt, bưởi da xanh, khoai lang, xoài cát, vải, vú sữa, chôm chôm…sẽ được các DN tham dự hội chợ này thực hiện từ nay cho đến cuối năm 2020.
Cần ghi nhận thêm là các chuỗi siêu thị lớn hàng đầu của Đức như Netto, Edeka, Selgros đã nhập khẩu và phân phối thành công các sản phẩm hoa quả của Việt Nam, đặc biệt là trái thanh long.
Bộ Công Thương cho biết đã và sẽ tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho nông sản do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản và trái cây trong giai đoạn hiện nay.
Phía DN cũng được khuyến cáo là cần theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Hơn nữa, các DN, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu nông sản chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Theo giới chuyên gia, trong lúc nông sản, đặc biệt là trái cây tươi bị ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc quá nặng nề thì việc ứng cứu cho các nông dân là rất nan giải, chỉ là cách giải cứu theo kiểu “ăn xổi” khi thiếu đi những giải pháp căn cơ, nhất là trong khâu bảo quản và chế biến.
Chẳng hạn như cách làm của ông Kao Siêu Lực có thể được ghi nhận là một trong những cách làm phù hợp trong khâu chế biến. Việc này còn hứa hẹn sẽ có thêm những loại bánh mới từ nguồn nguyên liệu là trái cây tươi của nông dân vốn đang bước vào thu hoạch rộ lại “bí” đầu ra tại thị trường Trung Quốc.
Còn thực tế hiện nay, khâu chế biến ở trong nước chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra. Không những vậy, số lượng nhà máy chế biến hiện đại còn ít, chủ yếu chế biến thủ công, chưa có nhiều mô hình gắn kết giữa chế biến và vùng nguyên liệu…, khiến cho việc ứng cứu nông dân cực kỳ khó khăn khi gặp sự cố từ thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo