Thị trường

Bàn cách tận dụng thời cơ 'đại bàng' công nghệ 'xây tổ' ở Việt Nam

Trong tháng 1/2021, một số tập đoàn đa quốc gia đã "rót" hàng trăm triệu USD vào Việt Nam. Kỳ vọng làn sóng đổ bộ này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội để nâng cao vị thế trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Công Thương họp khẩn về đảm bảo cung ứng hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19 / Cục Thuế Đà Nẵng: Hạn chế tối đa việc đến thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp

Mới đây, Tập đoàn Intel đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam - một trong các cứ điểm sản xuất lớn nhất của tập đoàn. Khoản đầu tư bổ sung này của Intel được thực hiện vào nửa cuối năm ngoái, giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.

Nhiều tập đoàn công nghệ chọn Việt Nam 'xây tổ'

Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện lên tới gần 1,5 tỷ USD.

Intel-dau-tu-vao-Viet-Nam-2697-161182516

Intel vừa đầu tư thêm 475 triệu USD vào Việt Nam.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), cho biết ngoài gần nửa tỷ USD của Intel, chỉ trong tháng 1/2021, SHTP có thêm 3 dự án tăng vốn hoặc điều chỉnh mô hình hoạt động. Trong đó, Samsung HCMC CE Complex chuyển đổi sang DN chế xuất theo hình thức "doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghệ cao" với điều kiện giá trị xuất khẩu đạt tỷ lệ 90% trở lên. Hay dự án khu phức hợp đa chức năng Ascendas Saigon Bund đăng ký rót thêm 40 triệu USD, bên cạnh 170 triệu USD vốn đầu tư ban đầu.

Trước Intel, ngày 15/1/2021, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang ký Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Foxconn Singapore Pte Ltd để đầu tư Nhà máy Fukang Technology ở khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang). Ngày 18/1, UBND tỉnh Bắc Giang chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho DN này.

Theo kế hoạch, Fukang sẽ sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm, trong đó máy tính bảng là hơn 6,2 triệu sản phẩm/năm, còn máy tính xách tay là hơn 1,8 triệu sản phẩm/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư 270 triệu USD này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý III/2022.

Không chỉ tại Bắc Giang, Foxconn cũng đã tới Thanh Hóa để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh này. Foxconn cũng vừa cùng đoàn các "ông lớn" công nghệ gồm Heesung Electronics, Goertek Technology, Mitac Computer, Luxshare ICT Việt Nam có cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn FDI thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó, đặc biệt là năm 2020, mặc dù tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam. Triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là tín hiệu tích cực và Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

 

Để Việt Nam hưởng lợi

Song song việc thu hút đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng các địa phương cần tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất, đặc biệt là thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng.

"Đây là những vấn đề khó nhất mà nhà đầu tư gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam, để làm sao các nhà đầu tư giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin, đồng thời hỗ trợ DN trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn và chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu", ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, lâu nay, chúng ta cứ nói tại sao trong một nền kinh tế có 2 nền kinh tế trong nước và nước ngoài, nền kinh tế có 2 khu vực DN không gắn kết được với nhau. Khi tổng kết 30 năm thì đây cũng chính là mặt trái của thu hút đầu tư nước ngoài, đó là DN nước ngoài cũng không gắn kết được với DN trong nước. Lý do chính và chủ yếu là DN trong nước chưa mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh để có thể tham gia được cùng với DN nước ngoài.

Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có nội dung hỗ trợ được các DN chờ đợi nhất, đó là dự án sản xuất sản phẩm sẽ được Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất bên cạnh ưu đãi về lãi suất khi vay vốn ngắn hạn.

 

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đánh giá các DN FDI vào Việt Nam được sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn mẹ, tổ chức tài chính của nước sở tại nên có lợi thế hơn DN Việt Nam về chi phí vốn, dẫn tới DN nội thua họ ngay ban đầu. Do vậy, sự hỗ trợ trên đang được cộng đồng DN rất kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh bày tỏ băn khoăn khi vừa qua, việc triển khai các chính sách cấp bù lãi suất như nhà ở xã hội, hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn. Do vậy, đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ này đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để xây dựng Nghị định về vấn đề này, sớm trình Chính phủ vào quý I/2021.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam cần phải tạo nên các lợi thế về tay nghề người lao động, năng lực sáng tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi... để khu vực DN FDI có thể gắn kết chặt chẽ hơn, đóng góp nhiều hơn vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất và giá trị tạo ra trong nước.

"Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm