Thị trường

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu

DNVN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất quan trọng và tương đối toàn diện, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam - Ukraine hợp tác / Bình Thuận: Thanh long rớt giá, người dân lo mất Tết

Sáng 28/01/2021, tại Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ XIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có bài tham luận với chủ đề: “Nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.

Mở đầu bài tham luận, người đứng đầu Bộ Công Thương phát biểu: Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta từ một trong những quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo nên một nền tảng phát triển to lớn cho kinh tế đất nước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nhìn lại quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước thời gian qua cho thấy đã đạt được những kết quả rất quan trọng và tương đối toàn diện, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ XIII sáng 28/01/2021.

Việt Nam đã hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, công ty đa quốc gia

Tới nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.

Trong giai đoạn chiến lược 10 năm qua 2011 - 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động đã ngày càng hướng vào lõi công nghiệp hóa. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và chỉ còn 5,55% vào năm 2020). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp. Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%. Xét cả giai đoạn 2011 - 2020, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 14,27% năm 2016; 16,48% vào năm 2019 và đạt khoảng 16,7% vào năm 2020).

Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển công nghiệp của đất nước ta, đặc biệt trước những yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn phát triển sắp tới với mục tiêu đặt ra là vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đưa nước ta phát triển thịnh vượng. Bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quí giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ.

Dòng chảy đầu tư của thế giới vốn đang trong quá trình dịch chuyển, cộng thêm tác động của dịch Covid-19 càng làm cho đích đến của các nguồn vốn đầu tư chuyển về các địa bàn có môi trường ổn định, trong đó Việt Nam đang trở thành điểm sáng, ngày càng chiếm được lòng tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thế giới. Tiến trình hội nhập quốc tế với quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam đã tiếp tục giúp nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Chuyển đổi số là cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ tác động trực tiếp tới các hoạt động thương mại mà còn làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất truyền thống. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

"Để có thể tận dụng được thời cơ này, giúp Việt Nam có thể nâng cao được vai trò, vị thế trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững, cần bám sát quan điểm xuyên suốt mà Đảng ta đã xác định, đó là: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định". Theo đó, trọng tâm là tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Với những phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu nhưng đồng thời nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của nước ta thời gian tới vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức và tận dụng được những cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển sắp tới. Nhận thức sâu sắc quan điểm, định hướng của Đảng, ngành Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo hơn nữa để nhất định sẽ thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm