Thị trường

Băn khoăn về đầu tư bất động sản ra nước ngoài

Nhiều ý kiến lo ngại việc đầu tư kinh doanh bất động sản ra nước ngoài sẽ là công cụ để rửa tiền, tẩu tán tài sản tham nhũng, phạm pháp.

Bất động sản Đà Nẵng rục rịch tăng giá theo chu kỳ? / Lãi suất ngân hàng tăng liệu có ảnh hưởng tới bất động sản?

Tại dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Đầu tư dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã bổ sung kinh doanh bất động sản (BĐS) vào nhóm ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, cùng với các ngành: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, khoa học - công nghệ, báo chí, phát thanh, truyền hình.

Không khuyến khích

Theo Bộ KH-ĐT, kinh doanh BĐS là ngành nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Bộ đã đưa ra một số thống kê để giải trình cho nội dung sửa đổi này. Theo đó, phần lớn dự án trong lĩnh vực kinh doanh BĐS do cá nhân đăng ký. Có 262 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 390,9 triệu USD. Mục đích nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài. Tình trạng này đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước.

Cơ quan soạn thảo cho biết qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy Trung Quốc bắt đầu hạn chế đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực này từ năm 2018. Vì vậy, việc đặt ra điều kiện để kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là cần thiết nhằm bảo đảm nguồn lực cho hoạt động đầu tư trong nước.

Ngoài Mỹ, hiện nay người Việt cũng quan tâm đầu tư BĐS tại một số quốc gia khác như Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Theo quy định hiện hành, luật pháp Việt Nam không cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài nhưng sẽ có kiểm soát khi chuyển tiền ra nước ngoài. Cụ thể, để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư là cá nhân phải được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, công dân Việt Nam được mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích hợp pháp như: học tập, chữa bệnh; đi công tác, du lịch, thăm viếng; trả các loại phí, lệ phí; trợ cấp cho thân nhân; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 22/9, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng việc hạn chế đầu tư kinh doanh BĐS ra nước ngoài là phi thị trường, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, tự do sở hữu nhà ở của người dân tại nước ngoài. "Tại sao các nước không hạn chế mình đầu tư vào họ mà chúng ta lại tự hạn chế người dân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Điều này xét về mặt thị trường là không hợp lý" - ông Đính băn khoăn.

Băn khoăn về đầu tư bất động sản ra nước ngoài - Ảnh 1.

Kinh doanh bất động sản được bổ sung vào nhóm ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Nên có cơ chế kiểm soát

Theo Bộ KH-ĐT, các quy định về ngành nghề cấm đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện chưa được cập nhật, hệ thống hóa để bảo đảm tính minh bạch và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Do đó, việc quy định ngành nghề cấm và ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện giúp nhà nước tăng cường khả năng quản lý đối với một số lĩnh vực cần kiểm soát.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS là hoàn toàn chính đáng. Đây là kênh đầu tư chính thống, nhà nước sẽ quản lý được. "Nếu quản không được lại hạn chế hoặc cấm thì sẽ nảy sinh những trường hợp đầu tư bất hợp pháp, đầu tư chui, khi đó hệ lụy sẽ càng lớn, nguy cơ dịch chuyển tài sản và kiểm soát dòng tiền càng khó hơn" - ông Nguyễn Văn Đính cảnh báo.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại đồng tình với đề xuất không khuyến khích đầu tư kinh doanh BĐS ra nước ngoài. Bởi lẽ, những mặt lợi của việc đầu tư này thường thuộc về cá nhân nhà đầu tư, còn lợi ích cho quốc gia chưa thật sự rõ rệt. Theo ông Hiếu, việc đầu tư BĐS ra nước ngoài có thể trở thành công cụ để rửa tiền, tẩu tán tài sản tham nhũng, phạm pháp.

Đồng ý với việc đầu tư BĐS ra nước ngoài là nhu cầu của thị trường nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh nên có cơ chế để kiểm soát. Bởi lẽ, phần lớn người mua BĐS ở nước ngoài hiện nay là cá nhân, doanh nghiệp cũng tham gia đầu tư nhưng chưa đáng kể. "Đối với doanh nghiệp, vấn đề kiểm soát thuế của chúng ta còn kẽ hở"-ông Hiếu nói thêm. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng một số mảng trong lĩnh vực này như BĐS công nghiệp có thể xem xét đầu tư ra nước ngoài.

 

Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng đồng tình với việc không khuyến khích kinh doanh BĐS ra nước ngoài. Theo ông, Việt Nam hiện chưa có đầy đủ điều kiện để người dân hoặc doanh nghiệp tự do kinh doanh lĩnh vực này ra nước ngoài, trong đó có những kẽ hở về hệ thống pháp luật. Ông Trương Quốc Hòe cũng lo tình trạng tẩu tán tài sản phạm pháp thông qua hình thức đầu tư BĐS ra nước ngoài.

"Trong điều kiện hiện nay thì không khuyến khích nhưng về lâu dài, khi đã đủ các điều kiện, tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước sẽ cởi mở hơn trong lĩnh vực này" - luật sư Hòe nêu quan điểm.

Quản lý được (?!)
Trước lo ngại của Bộ KH-ĐT về dịch chuyển tài sản ra nước ngoài khi đầu tư kinh doanh BĐS, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Việt Nam đã có đủ hệ thống pháp luật để kiểm soát dòng tiền, ngoại tệ nên hoàn toàn có thể quản lý được, vấn đề là việc thực thi pháp luật như thế nào.
Theo ông Đính, nếu tuân theo quy luật thị trường, nhà đầu tư nhận thấy có cơ hội sinh lời sẽ đầu tư, nhà nước kiểm soát từ khâu cấp phép đầu tư, nghĩa là nắm được "gốc" thì không có gì phải ngại.


Theo Minh Chiến/Người lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm