Bao giờ hết cảnh doanh nghiệp logistics phải làm thuê ngay trên sân nhà?
DNVN - Các doanh nghiệp (DN) logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì rất mạnh, không hề thua kém các DN logistics nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các DN logistics Việt Nam vẫn còn phải làm thuê ngay trên chính sân chơi của mình.
Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mới bắt đầu số hóa / 350 doanh nghiệp quảng bá thiết bị, công nghệ y tế tại Hà Nội
Tốc độ tăng trưởng nhanh
Tại tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế logistics quốc tế Việt Nam 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD tổ chức chiều 11/5 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, logistics là ngành quan trọng đối với nền kinh tế.
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021.
Theo đánh giá của Agility (nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới) năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
"Đây là kết quả những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp", ông Hải nhìn nhận.
Thiếu sự liên kết
Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thẳng thắn cho rằng, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thêm vào đó, quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể…
Cùng quan điểm, ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (VICONSHIP) thừa nhận, các DN logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì các rất khỏe, không hề thua kém các DN logistics nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các DN Việt Nam vẫn còn phải làm thuê trên chính sân chơi của mình bởi vì các DN FDI vào Việt Nam chủ yếu đầu tư về công nghệ, nhân lực.
Ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty VICONSHIP chia sẻ về điểm yếu của DN logistics Việt Nam.
"Chúng tôi có rất nhiều khách hàng lớn nhưng thực tế DN vẫn là người làm thuê. Chúng tôi có hạ tầng, nhân lực, quy trình và có sự tin tưởng từ phía đối tác nước ngoài nhưng chúng tôi vẫn đang làm thuê cho họ. Tính liên kết của các DN Việt Nam rất yếu, khiến cho ngành chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đồng thời làm chi phí logistics ở mức cao", ông Cường nói.
Tính tương tác, hỗ trợ, liên kết của các DN logistics Việt Nam đang rất yếu. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều DN tên tuổi với số vốn hóa lớn cùng mạng lưới tương đối tốt như VICONSHIP. Tuy vậy, do tính tương hỗ không cao là nguyên nhân khiến lĩnh vực logistics của Việt Nam chưa phát triển thực sự đúng với tầm quan trọng của nó. Đây chính là điều làm cho chi phí logistics tăng rất cao.
Do đó, ông Cường khuyến nghị các DN cần hỗ trợ lẫn nhau bằng những cách thiết thực nhất để tất cả cùng giảm được chi phí. Ngoài ra, cần thay đổi đột phá về công nghệ để đáp nhu cầu của thị trường, hướng tới môi trường xanh phù hợp với xu thế của thời đại.
Thương mại điện tử đang làm thay đổi ngànhlogistics
Ở góc nhìn khác, ông Hậu Hồng Băng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đánh giá tầm quan trọng của logistics đối với sự phát triển của ngành thương mại điện tử (TMĐT) và tác động của ngành TMĐT đối với sự phát triển của ngành logistics.
Để phục vụ tốt hơn cho ngành TMĐT, ngành logistics cần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý hiện đại hóa, đồng thời sự thay đổi không ngừng của TMĐT cũng sẽ tác động và thúc đẩy đối với ngành logistics.
Sự phát triển của kinh doanh TMĐT đã làm thay đổi mô hình kinh doanh của ngành logistics. Logistics truyền thống lấy cạnh tranh làm hướng phát triển, liên tục mở rộng quy mô của mình, siết chặt không gian phát triển của các đối thủ.
Nhưng sau sự ra đời và tốc độ phát triển mạnh mẽ của TMĐT, các công ty logistics cần hợp tác với nhau để thích ứng với TMĐT. Điều này đã hình thành một mô hình hợp tác kết nối và hỗ trợ lẫn nhau trong logistics. Các công ty logistics xây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi của riêng mình và hướng tới sự phát triển chung thông qua hợp tác với nhau.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mena Gourmet Market: Siêu thị tích hợp đẳng cấp hàng đầu châu Á tại TP Hồ Chí Minh
Giá ngoại tệ ngày 11/10/2024: Tỷ giá USD giảm nhẹ
Giá vàng ngày 11/10/2024: Dự báo giá vàng thế giới sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce vào cuối năm
Giá heo hơi ngày 11/10/2024: Tiếp tục giảm tại miền Bắc và miền Nam
WTO đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu
Giá nông sản ngày 11/10/2024: Cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giảm giá
Cột tin quảng cáo