Lãi suất dự báo giảm thêm trong nửa cuối năm
Vướng mắc về mặt pháp luật gây cản trở phê duyệt dự án bất động sản / Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mới bắt đầu số hóa
Chính sách tiền tệ trước các biến số kinh tế toàn cầu
Chính sách tiền tệ đã có sự chuyển hướng linh hoạt sang hỗ trợ tăng trưởng, sau khi Ngân hàng Nhà nước đã giảmlãi suấtđiều hành 2 lần trong năm nay. Tuy nhiên, làm sao để việc điều hành chính sách thực sự tạo hiệu quả, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá lại là nhiệm vụ không dễ dàng. Vấn đề này là chủ đề chính được thảo luận tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng 2023 - "Điều hành chính sách tiền tệ trước biến số kinh tế toàn cầu".
Diễn đàn nhấn mạnh tới 4 thách thức lớn của kinh tế thế giới có ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam, đó là lạm phát đã đạt đỉnh nhưng vẫn còn ở mức cao, khi hơn 80 nền kinh tế trên thế giới có mức lạm phát 2 con số; thứ hai là sức ép từ tăng lãi suất ở nhiều ngân hàng trung ương lớn; thứ ba là rủi ro từ thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu làm chậm quá trình phục hồi kinh tế; và cuối cùng là những khó khăn từ xung đột địa chính trị. Là một nền kinh tế có độ mở cao, nên chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, tỷ giá, tín dụng cần hài hòa giữa các mục tiêu.
Nhiều dư địa giảm thêm mặt bằng lãi suất trong nửa cuối năm
Các chuyên gia khuyến nghị việc giảm lãi suất cần lưu ý tới lạm phát và ổn định tỷ giá. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Việc giảm lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước được nhận định là bước đi cần thiết để tăng khả năng tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các mức lãi suất điều hành đã giảm từ 0,3 - 1%/năm. Nhiều ý kiến nhận định, mặt bằng lãi suất còn dư địa hạ thêm trong năm nay.
Biểu lãi suất của ngân hàng OCB đã nhiều lần thay đổi từ đầu năm tới nay. Ngân hàng cho biết, từ việc điều chỉnh lãi huy động, ngân hàng đã có điều kiện tiết giảm chi phí vốn, để đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn trước.
"So với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2,5 - 3%. Chúng tôi có những gói ưu đãi để giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ví dụ gói 7,99% cho vay ngắn hạn và 10,49% cho vay dài hạn", ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho hay.
Trên cơ sở các điều kiện vĩ mô ổn định hơn, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã giảm 0,34% so với tháng trước; mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm.
"Tốc độ lạm phát dự báo khoảng 4 - 4,5% thì khả năng huy động lãi suất đối với các tổ chức tín dụng cũng như lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể ở mức sẽ giảm dần và từ giờ đến cuối năm tôi cho rằng sẽ giảm 0,5%", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết.
"Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang quyết tâm giảm mặt bằng lãi suất. Chúng ta cũng cần đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng để đảm bảo lành mạnh hóa hệ thống, cũng như giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến câu chuyện lãi suất, qua đó hỗ trợ cho chúng ta giảm lãi suất ở mức tích cực hơn", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị việc giảm lãi suất cần lưu ý tới lạm phát và ổn định tỷ giá. Bởi hiện nay, áp lực tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn vẫn hiện hữu. Ngoài ra, những nút thắt, điểm nghẽn trong cho vay cần được tháo gỡ để dòng vốn tới được tay doanh nghiệp cần vốn.
Phối hợp đồng bộ chính sách hướng tới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Theo khảo sát mới đây của Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống sẽ tiếp tục giảm nhẹ 0,08 - 0,1 % trong quý II và giảm thêm 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023. Kết quả này trái ngược so với dự đoán tăng của kỳ khảo sát trước đó, cho thấy chính các ngân hàng cũng đang tự điều chỉnh mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên chỉ giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ phục hồi sản xuất, cần có thêm những chính sách hỗ trợ đồng bộ khác.
Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, tức là một trong những đối tượng doanh nghiệp đang được ưu tiên về nguồn vốn, lãi suất, nhưng với những khó khăn chung, đơn hàng của Công ty CNC Vina hiện cũng mới chỉ duy trì được đến tháng 7. Bởi vậy, doanh nghiệp mong muốn có được những hỗ trợ, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đang được thực thi với nhiều chương trình miễn giảm thuế, phí. Các chuyên gia nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ là hết sức quan trọng, để tạo sức bật tổng thể cho nền kinh tế, đặc biệt trong việc kích cầu tiêu dùng, đầu tư.
"Để giải quyết thị trường vốn, trọng tâm là ngăn chặn đà sụt giảm của nền kinh tế. Để làm việc này, tất cả các biện pháp từ tài khóa, tiền tệ, đầu tư công, an sinh xã hội cần phải phối hợp một cách chặt chẽ", ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nói.
Các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống sẽ tiếp tục giảm nhẹ 0,08 - 0,1 % trong quý II và giảm thêm 0,19 - 0,34% trong cả năm 2023. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ một mặt phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước cũng như phụ thuộc vào các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cũng như phát triển thị trường tài chính để đảm bảo tín dụng của ngân hàng ngày càng an toàn, hiệu quả hơn", bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn và đặc biệt không chủ quan với lạm phát; đồng thời, cố gắng tìm điểm cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá để có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Trong những chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo