Thị trường

Bất chấp dịch bệnh, xuất khẩu đồ gỗ tăng 18%

DNVN - Trị giá xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất siêu cao, ước đạt 12,6 tỷ USD trong năm 2021.

Đắk Nông; Bí thư tỉnh chỉ đạo xử lý vụ phát hiện thêm hàng chục m3 gỗ khai thác trái phép / Hà Nội: Vỡ kế hoạch bán đấu giá hơn 5 tấn gỗ “sưa trăm tỷ”

Xuất khẩu gỗ tăng hơn 18% trong đại dịch
Sáng 17/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị giao ban “Đánh giá kết quả năm 2021 và bàn các giải pháp thực hiện mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022”, với chủ đề “Ngành gỗ Việt: Nâng tầm – Liên kết để vươn xa”.
Hội nghị đã tổng kết, đánh giá và ghi nhận những thành quả đạt được của ngành trong năm 2021, nhận định những khó khăn, thách thức và đưa ra định hướng phát triển trong thời gian tới, các giải pháp nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu cho năm tiếp theo.
Hội nghị Đánh giá kết quả năm 2021 và bàn các giải pháp thực hiện mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022”.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đã thắng lợi giòn giã với tổng giá trị kim ngạch ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất siêu cao, ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2020.
Đây là thắng lợi to lớn khi 3 tháng ròng (tháng 7,8,9.2021) các địa phương được coi là “thủ phủ” chế biến gỗ của Việt Nam là Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, hầu hết các nhà máy, phân xưởng phải “đóng băng” sản xuất vì thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, những nhà máy mở cửa sản xuất theo “3 tại chỗ" cũng chỉ đạt công suất từ 30-50%.
Như vậy, với tổng giá trị kim ngạch đạt 15,6 tỉ USD, so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (14 tỷ USD), ngành gỗ đã "về đích" một cách vẻ vang, vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,6 tỷ USD, xuất siêu đạt 12,6 tỉ USD, tăng 18,4% so với tỉ lệ xuất siêu năm 2020.
Năm 2022 đặt mục tiêu xuất khẩu ngành gỗ đạt 16,5 tỉ USD
Nhận định về cơ hội và thách thức, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh: Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam chiếm khoảng 8% thị phần thương mại nhập khẩu gỗ và lâm sản của thế giới nên các doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhiều đơn hàng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Hoa Kỳ dịch chuyển sang các thị trường khác.
Cùng với đó, Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Đồ nội thất, các loại ván được nhiều thị trường ưa chuộng.
Việt Nam đã phê chuẩn và đang triển khai theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA giữa Việt Nam và EU; Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các Hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt vươn ra thị trường thế giới.
Việc thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU giảm thời gian giải trình nguồn gỗ hợp pháp so với các nước, là cơ hội cho ngành chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu vào EU.
Ngành gỗ Việt phấn đấu đạt16,5 tỉ USD xuất khẩu năm 2022.

Tuy nhiên, theo đại diện của Tổng cục Lâm nghiệp, ngành gỗ Việt cũng gặp không ít thách thức.
Đó là thị hiếu của người tiêu dùng các sản phẩm gỗ tại một số thị trường Châu Âu thay đổi từ sử dụng đồ mộc ngoại thất bằng các loại sản phẩm thay thế như nhựa, sắt thép và các vật liệu thân thiện với môi trường.
Một số địa phương, nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp chế biến gỗ của cả nước, đang phải cạnh tranh về lao động, hạ tầng với các ngành công nghiệp khác.
Khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ phải cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu sản phẩm gỗ vì vậy sản phẩm gỗ Việt Nam phải cạnh tranh với đồ gỗ của các quốc gia thành viên thuộc các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Đồng thời, các thị trường chính xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp. Đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đến sản xuất tiêu dùng sẽ tiếp tục là những thách thức tác động tới ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới.
Ngoài ra, nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp. Chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng tăng; tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của nước ta.
Vượt thách thức, ngành gỗ Việt phấn đấu đưa giá trị xuất khẩu lâm sản đạt từ 16,5 tỷ USD trở lên, tăng 5,7 % so với 2021.
Trong đó, sản phẩm gỗ 11,47 tỷ USD, tăng 5,7%; gỗ các loại 3,84 tỷ USD, tăng 5,5 %; lâm sản ngoài gỗ là 1,19 tỷ USD, tăng 7,7%.
Xuất khẩu gỗ năm 2022 tới Hoa Kỳ phấn đấu đạt 9,7 tỷ USD, tăng 6,8%; Nhật Bản 1,5 tỷ USD, tăng 2,1%; Trung Quốc 1,6 tỷ USD, tăng 7,4%; 1,1 tỷ USD, tăng 4,5 %; Hàn Quốc 0,9 tỷ USD, tăng 1,8 %; các thị trường còn lại 1,7 tỷ USD, tăng 4,1%.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm