Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế TP.HCM vẫn tăng trưởng
Lượng tiêu thụ rượu bia tiếp tục tăng bất chấp kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 / Ngành thủy sản Việt Nam tăng tốc nắm bắt thời cơ giữa đại dịch Covid-19
Nhiều dấu hiệu tích cực
Dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng kinh tế TP.HCM vẫn có sự tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 1,02% của 6 tháng năm 2020.
Cục Thống kê TP.HCM vừa báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của thành phố, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 0,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,58%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 5,86%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,08%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,48% so với cùng kỳ, chủ yếu do ngành chăn nuôi giảm 2,64% (chiếm tỷ trọng 45,4%), và ngành thủy sản giảm 0,48% (chiếm tỷ trọng 27,1%).
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 4,16% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 2,04% của 6 tháng năm 2020, chứng tỏ ngành công nghiệp có dấu hiệu hồi phục. Ngành xây dựng tăng trưởng 0,98% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 1,17% của 6 tháng năm 2020. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các dự án thi công bị gián đoạn, nguồn cung sản phẩm nhà ở hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng.
Bất chấp dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 của TP.HCM vẫn tăng 5,46%.
Khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng 5,86% (cùng kỳ năm 2020 tăng 0,67%). Ba ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn trong khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng khá gồm thương nghiệp tăng 6,01% so với cùng kỳ; vận tải kho bãi tăng 5,73%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,22%.
Giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm 58,1% trong GRDP và 91,3% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành dịch vụ có tỷ trọng cao so với GRDP là thương nghiệp (chiếm 16,8%), vận tải kho bãi (chiếm 9,6%), tài chính ngân hàng (chiếm 8,2%), hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (chiếm 5,5%) - đây là bốn ngành trọng yếu chiếm 63,1% trong nội bộ khu vực dịch vụ.
Về cơ cấu kinh tế 6 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,2%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,6%.
Cũng theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn xuất qua cảng thành phố (kể cả dầu thô) 6 tháng ước đạt 20.344 triệu USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD (chiếm 38,1%); nhóm hàng hóa khác đạt 3,6 tỷ USD (chiếm 17,9%); thứ 3 là hàng dệt may đạt 1,6 tỷ USD (chiếm 8,1%); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,13 tỷ USD (chiếm 5,5%); hàng giày dép đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 5,4%).
Vốn FDI giảm mạnh
Báo cáo của Cục Thống kê thành phố cũng nêu rõ, nếu như số doanh nghiệp thành lập mới cũng như vốn đăng ký của doanh nghiệp tăng mạnh thì trong 6 tháng đầu năm hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của TP.HCM lại giảm khá sâu so với cùng kỳ.
Theo đó, đến cuối tháng 6/2021 toàn thành phố có 18.441 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 310.988 tỷ đồng. Tuy về số lượng chỉ tăng 3,8% nhưng về vốn đăng ký tăng đến 39,2%. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao, lên đến 13.513 doanh nghiệp (chiếm 73,2%) và số vốn đăng ký đạt 197.764 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Ngược lại, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhìn chung giảm. 6 tháng thu hút được 262 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 264,4 triệu USD; 75 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn 475,3 triệu USD; 1.040 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt 686 triệu USD. Như vậy, tổng cộng vốn đăng ký cấp phép mới, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt 1,426 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước đạt gần 186.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 6% (cùng kỳ năm trước giảm 10,1%) và bằng 27,3% GRDP, bao gồm: vốn khu vực nhà nước đạt 23.850 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước đạt 135.359 tỷ đồng, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 26.766 tỷ đồng.
Tổng hợp kết quả về giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân 6 tháng qua vẫn ở mức khiêm tốn đạt 25% kế hoạch vốn giao (cùng kỳ năm trước đạt 22%), tương đương 9.090 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra là trên 50%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo